Minh bạch, sẻ chia khi tăng lương tối thiểu vùng

Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, từ ngày 1-7, mức lương tối thiểu (LTT) theo các vùng được điều chỉnh tăng 6% – tương ứng mức tăng từ 200.000 đến 280.000 đồng, tùy khu vực. Mức tăng LTT tuy không cao nhưng trong bối cảnh đời sống còn nhiều khó khăn, việc điều chỉnh lương giúp người lao động (NLĐ) có thêm khoản tài chính trang trải cuộc sống, thêm động lực gắn bó với doanh nghiệp (DN).

Bất ổn không đáng có

Tuy nhiên, khi thực hiện quy định về LTT, tại một số DN đã xảy ra ngừng việc.

Do không được thông báo về việc điều chỉnh LTT vùng, sáng 19-7, gần 100 công nhân (CN) Công ty TNHH C.T Việt Nam (tỉnh Bình Dương) đã ngừng việc, đề nghị chủ DN tăng lương cơ bản thêm 6% theo quy định. Khi sự việc xảy ra, công ty cho hay đã thương lượng xong với Công đoàn cơ sở về việc điều chỉnh lương nhưng chờ tổng giám đốc ký duyệt mới thông báo chính thức cho NLĐ.

Để ổn định quan hệ lao động, Công ty TNHH C.T Việt Nam lập tức công bố tăng lương cơ bản thêm 294.000 đồng/người/tháng cho tất cả NLĐ. Sau khi điều chỉnh, lương cơ bản của NLĐ sẽ từ 4.914.000 đồng tăng lên 5.208.000 đồng/tháng. Nếu tính thêm các khoản phụ cấp, mức thu nhập thấp nhất của NLĐ sẽ đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng (chưa bao gồm tăng ca).

Sau đó một ngày, tại Công ty TNHH H.F (tỉnh Bình Dương) cũng xảy ra ngừng việc tập thể. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc DN thông báo điều chỉnh lương nhưng không ghi rõ mức tăng. Thông báo không có dấu mộc, chữ ký của lãnh đạo công ty khiến NLĐ bất an.

Cho rằng mức tăng lương chưa thỏa đáng, người lao động tại một doanh nghiệp đã ngừng việc

Cho rằng mức tăng lương chưa thỏa đáng, người lao động tại một doanh nghiệp đã ngừng việc

Sau khi làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH H.F mới thông tin cụ thể mức tăng lương từ tháng 7-2024. Cụ thể, NLĐ sẽ được tăng lương cơ bản thêm 280.000 đồng/tháng (từ 4.680.000 lên 4.960.000 đồng).

Theo LĐLĐ tỉnh Bình Dương, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP, cơ quan này đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở giám sát chặt việc điều chỉnh LTT tại DN. Cụ thể, tham mưu cho DN sớm thông báo về tăng LTT cho NLĐ; rà soát, sửa đổi, bổ sung thang – bảng lương, quy chế lương – thưởng, thỏa ước lao động tập thể, thỏa thuận trong hợp đồng lao động… các nội dung không còn phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của NLĐ.

“Qua rà soát, đa số DN trên địa bàn tỉnh đang trả lương cơ bản cho NLĐ cao hơn mức LTT vùng theo quy định” – đại diện LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết.

Đừng để công nhân hụt hẫng

Tại Công ty TNHH Y.V (tỉnh Đồng Nai), hơn 1.500 CN đã ngừng việc sau khi DN thông báo về việc điều chỉnh LTT. Trong thông báo ngày 18-7, công ty quyết định điều chỉnh tiền lương thử việc là 5.208.000 đồng/tháng, lương sau thử việc là 5.572.560 đồng/tháng. NLĐ có mức lương thấp hơn 5.572.560 đồng sẽ được điều chỉnh tăng lên mức 5.572.560 đồng/tháng. Trường hợp có mức lương cao hơn 5.572.560 đồng sẽ được tăng thêm 140.000 đồng/tháng vào lương cơ bản, áp dụng từ tháng 7-2024.

Theo tập thể CN Công ty TNHH Y.V, những người có mức lương trên 5.572.560 đồng/tháng là CN lâu năm. Việc chỉ tăng 140.000 đồng/tháng cho những người này là không hợp tình hợp lý. Theo cách hiểu của một số CN, Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức điều chỉnh LTT vùng (280.000 đồng) áp dụng cho toàn bộ NLĐ. Do vậy, họ không đồng tình với mức tăng do công ty đưa ra.

Một nữ CN cho biết đã làm việc tại Công ty TNHH Y.V từ năm 2018 nhưng đến nay lương thực lãnh chỉ 6 triệu đồng/tháng, phải tằn tiện mới đủ chi tiêu. “Nghe tin Chính phủ điều chỉnh LTT tăng 6%, ai cũng phấn khởi vì có thêm khoản bù trượt giá. Vậy nên, khi công ty thông báo chỉ tăng 140.000 đồng/tháng, chúng tôi vô cùng hụt hẫng” – chị bày tỏ.

Sau 5 ngày xảy ra ngừng việc, dù có sự can thiệp của các cơ quan chức năng, Công ty TNHH Y.V vẫn lấy lý do đang thiếu đơn hàng nên giữ nguyên mức tăng lương và “mong NLĐ thông cảm”. Công ty cũng ra “tối hậu thư”: CN không vào làm việc sẽ được xem là vắng mặt 5 ngày liên tục, DN sẽ sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho hay theo quy định, LTT là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương cho NLĐ; bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của NLĐ không được thấp hơn mức LTT. Như vậy, nếu trước đó, DN đã trả lương cho NLĐ cao hơn mức LTT vùng quy định tại Nghị định 74/2024/NĐ-CP thì không bắt buộc phải điều chỉnh lương từ ngày 1-7.

Tuy nhiên, theo luật sư Đức, trong bối cảnh nền kinh tế đã có sự hồi phục tương đối, DN có đơn hàng trở lại và đời sống NLĐ còn nhiều khó khăn, DN cũng cần xem xét nâng lương cho NLĐ đã có mức lương cao hơn LTT vùng để động viên họ. 

Giữ nguyên thỏa thuận

Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, khi thực hiện mức LTT quy định tại nghị định này, đối với các nội dung trả lương đã thỏa thuận, cam kết mà có lợi hơn cho NLĐ thì DN tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Người sử dụng lao động không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *