Hè năm nay, món nước chanh của chuỗi đồ uống và kem Mixue đắt hàng ở Trung Quốc không phải vì ngon đặc biệt mà do rẻ hơn trà sữa.
Theo The Economist, món nước chanh Mixue đã “thành công rực rỡ” khi các đợt nắng nóng càn quét qua Trung Quốc gần đây. Tuy nhiên, bí quyết đằng sau không phải vì vị chua, sảng khoái mà bởi giá chỉ 3,6 nhân dân tệ (0,5 USD), so với 15 nhân dân tệ cho một ly trà sữa.
Trên các mạng xã hội Trung Quốc, nhiều blogger suy đoán rằng nước chanh Mixue phổ biến phản ánh tâm lý tiêu dùng kém và xu hướng thắt chặt chi tiêu, chuyển từ hàng hóa, dịch vụ đắt tiền sang bình dân hơn.
Reuters đánh giá, người tiêu dùng thậm chí không mấy mặn mà với các chương trình khuyến mại, ưu đãi mà các nhãn hàng tung ra vì bất ổn việc làm, suy thoái nhà ở kéo dài. Doanh số bán ôtô, thành phần lớn nhất trong doanh số bán lẻ Trung Quốc, đã giảm tháng thứ tư liên tiếp vào tháng 7, bất chấp chương trình thu cũ đổi mới quốc gia và các nới lỏng trong chính sách cho vay mua xe hơi.
Doanh số bán lẻ cả nước của Trung Quốc vẫn tăng vào tháng 6, ở mức 2%. Tuy nhiên, các thị trường trọng điểm lại đi xuống, với doanh số ở Bắc Kinh và Thượng Hải giảm lần lượt 6,3% và 9,4%. Lạm phát hàng tiêu dùng thiết yếu nước này tháng 7 gần như không đổi, phản ánh sức mua chững lại. Thậm chí, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 0,8% vào tháng 7 so với cùng kỳ 2023, cao hơn mức giảm dự kiến là 0,9%.
Nhiều người trẻ Trung Quốc đang chuyển từ việc theo đuổi hàng hiệu sang trào lưu tiết kiệm. Nước chanh Mixue đắt hàng trong khi nhiều nhà hàng hạng sang đóng cửa. Trong số các cơ sở ăn uống xa hoa phá sản ở Bắc Kinh còn có cả nhà hàng được gắn sao Michelin của đầu bếp Italy Umberto Bombana.
Người tiêu dùng cũng giảm chi tiêu làm đẹp. Tại khu miễn thuế Hải Nam, mỹ phẩm là mặt hàng giảm doanh số mạnh nhất trong nửa đầu năm. Ngược lại, các cửa hàng đồ trang điểm gần hết hạn nổi lên gần đây trên mạng xã hội, bán sản phẩm với giá chưa đến một nửa vì “cận date”.
Các hãng mỹ phẩm cao cấp quốc tế cảm nhận rõ khó khăn. Đầu tháng này, nhà sản xuất Nivea Beiersdorf (Đức) cho hay không đạt kỳ vọng về lợi nhuận nửa năm đầu năm. Một phần lý do vì thị trường xa xỉ Trung Quốc chậm lại khiến doanh số của thương hiệu La Prairie giảm 7%. Đối thủ của Nivea Beiersdorf là L’Oreal (Pháp) chứng kiến kết quả tương tự, dự báo thị trường vẫn hơi tiêu cực nửa cuối năm.
Hôm 8/8, cổ phiếu Shiseido có phiên giảm kịch sàn tại Tokyo sau khi tập đoàn mỹ phẩm này báo cáo lỗ 2,7 tỷ yen (18,44 triệu USD) trong nửa đầu 2024, so với mức lãi 13,6 tỷ yen cùng kỳ năm trước. Shiseido lỗ do ảnh hưởng bởi chi phí tái cấu trúc và nhu cầu sụt giảm tại Trung Quốc.
Diễn biến này đưa Shiseido thành thương hiệu xa xỉ mới nhất, sau Cartier của Richemont và Gucci của Kering chịu thiệt hại do tăng trưởng chậm và niềm tin tiêu dùng suy giảm tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trước đó, Kering – sở hữu thương hiệu Gucci, Boucheron và Balenciaga – cho biết doanh thu từ người tiêu dùng Trung Quốc đã giảm 25% trong quý II. Trung Quốc là thị trường quan trọng với Gucci nhưng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên.
Suy yếu ở thị trường Trung Quốc góp phần kéo doanh số toàn cầu của Kering giảm xuống 4,5 tỷ euro, tương đương mức giảm 11% so với cùng kỳ. Tập đoàn dự báo doanh thu trong nửa cuối năm có thể giảm khoảng 30%, sau khi đã giảm 42% trong nửa đầu năm, xuống còn 1,6 tỷ euro.
Nhà sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới Swatch Group (Thụy Sĩ) – sở hữu Tissot, Longines và Omega – báo cáo doanh số giảm 14,3% nửa đầu năm, còn 3,85 tỷ USD vì nhu cầu yếu ở Trung Quốc. Tổng giám đốc điều hành Nick Hayek cho biết người tiêu dùng nước này đã trở nên “nhạy cảm hơn với giá cả”. Ngay cả những người giàu nhất cũng đang tránh phô trương để ủng hộ thời trang giản dị hơn.
Caroline Reyl, Giám đốc đầu tư cấp cao tại ngân hàng tư nhân Pictet (Thụy Sĩ) cho biết khó khăn mà các thương hiệu phải đối mặt tại Trung Quốc xuất phát từ bất động sản suy thoái tạo tác động lan tỏa đến phần còn lại của nền kinh tế. “Điều này làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư và cũng dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn”, bà nói.
S&P Global nhận định rằng chi tiêu xa xỉ đạt mức vừa phải trong năm 2023 nhưng lại không thấy điểm sáng năm nay. Thay vì xách túi hiệu, giới trẻ Trung Quốc đang có trào lưu xách túi nhựa đựng trà sữa, theo Economist.
Tiêu dùng hộ gia đình chiếm 39% GDP Trung Quốc. Cuối tháng 7, Trung Quốc công bố kế hoạch sử dụng 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41,4 tỷ USD) từ trái phiếu chính phủ để kích thích nền kinh tế bằng cách tài trợ cho các chương trình thu cũ đổi mới các mặt hàng tiêu dùng như thiết bị gia dụng và xe cộ.
Khoảng một nửa số tiền – tương đương 150 tỷ nhân dân tệ (20,9 tỷ USD) – dùng trợ cấp từ 15-20% giá gốc cho các sản phẩm như xe năng lượng mới và đồ gia dụng, nhằm khuyến khích người tiêu dùng nâng cấp các sản phẩm hiện có. Tuy nhiên, giới phân tích không nhiều kỳ vọng vì số tiền này chỉ bằng 0,12% GDP.
Đầu tháng này, giới chức công bố kế hoạch 20 điểm, hỗ trợ tiêu dùng trong các lĩnh vực như chăm sóc trẻ em và người già, giáo dục, thể thao và du lịch. Nhưng các biện pháp tập trung vào việc phát triển thị trường dài hạn, chứ không phải là phát tiền trực tiếp cho hộ gia đình.
Phiên An (theo Reuters, The Economist)