Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) – Bộ Nội vụ vừa thông báo kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Nhật cơ bản (JFT – Basic) theo thỏa thuận với Nhật Bản sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Kỳ thi nhằm cấp tư cách lưu trú kỹ năng đặc định số 1 cho người lao động (NLĐ) có nguyện vọng làm việc tại Nhật Bản.
Sức hút từ chương trình kỹ năng đặc định
Thông tin liên quan visa kỹ năng đặc định đang thu hút sự quan tâm của NLĐ, nhất là những người có nguyện vọng sang Nhật làm việc. Các doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép cũng nhanh chóng đẩy mạnh tuyển dụng, đào tạo và phái cử lao động.
Đầu tháng 4 vừa qua, 3 anh Võ Đức Tiến, Lê Văn Tân và Đỗ Ngọc Phước An (đều 26 tuổi) đã lên đường sang Nhật làm việc theo diện kỹ năng đặc định ngành xây dựng. Tiến cho biết cả 3 cùng học cao đẳng xây dựng, sau khi tốt nghiệp đã đi làm nhưng công việc bấp bênh, thu nhập thấp. Khi biết đến chương trình kỹ năng đặc định, họ quyết tâm học tiếng Nhật và nhờ một công ty dịch vụ đưa sang Campuchia thi đánh giá kỹ năng, năng lực tiếng Nhật.

Nhiều lao động trẻ chọn công việc chăm sóc người cao tuổi theo diện kỹ năng đặc định tại Nhật Bản, bởi chế độ phúc lợi cao
“Chúng tôi mất khoảng 8 tháng để học và thi. Dù chi phí khá cao nhưng quan trọng là được làm việc lâu dài với thu nhập cao hơn nhiều so với diện thực tập sinh (TTS)” – Tiến nhận xét.
Anh An cho biết nơi làm việc cung cấp chỗ ở miễn phí, có xe đưa đón và NLĐ Việt Nam được bảo hiểm như lao động bản địa. Tuy mới sang nhưng cả 3 đều hòa nhập khá nhanh, được công ty khen làm việc chuyên nghiệp, không thua gì đồng nghiệp người Nhật.
Trong khi đó, anh Dương Nhật Trường (30 tuổi, quê Vĩnh Long) đang hoàn tất thủ tục để đầu tháng 5-2025 xuất cảnh sang Nhật theo diện visa kỹ năng đặc định ngành vận tải ô tô. Công việc cụ thể của anh là lái xe tải hạng nhẹ.
“Tôi yêu thích công việc lái xe và đã có 5 năm kinh nghiệm. Sau khi học văn hóa và pháp luật giao thông của Nhật, tôi tin rằng sẽ hoàn thành tốt công việc” – Trường chia sẻ. Anh hy vọng sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ tại Nhật, đồng thời có cơ hội trả nợ và tích lũy cho tương lai.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, trưởng phòng tuyển sinh của một doanh nghiệp dịch vụ tại TP HCM, số ứng viên quan tâm đến chương trình kỹ năng đặc định ngày càng nhiều từ khi Việt Nam công bố lịch thi đánh giá theo từng ngành nghề. Trong đó, ứng viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học ngành kỹ thuật và xây dựng đăng ký rất đông, cho thấy sức hút lớn từ chương trình.
“Thời gian làm việc trên 5 năm, thu nhập cao và công việc cụ thể rõ ràng hơn chương trình TTS. Do đó, NLĐ có xu hướng chuyển sang chương trình kỹ năng đặc định để học tập và tích lũy nhiều hơn” – bà Lệ nhận định.
Mở rộng ngành nghề tiếp nhận
Trước tình trạng thiếu hụt lao động, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc cho phép NLĐ nước ngoài theo diện kỹ năng đặc định làm việc tại các nhà hàng trong khách sạn và nhà trọ. Nếu được thông qua, cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ sớm điều chỉnh hướng dẫn thực hiện chương trình theo từng ngành nghề.
Ngoài việc mở rộng ngành nghề, đại diện các tổ chức phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản còn tích cực tìm kiếm đối tác uy tín để hợp tác. Mới đây, ông Kimura Hisayoshi, Giám đốc Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan), đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Bá Hoan về chương trình TTS kỹ năng và tăng cường phái cử kỹ năng đặc định từ Việt Nam sang Nhật.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan bày tỏ mong muốn thời gian tới, Trung tâm Lao động ngoài nước – Bộ Nội vụ và IM Japan sẽ ký thêm các thỏa thuận, tạo điều kiện để nhiều NLĐ Việt Nam có cơ hội làm việc tại Nhật Bản. Ông cũng ủng hộ đề xuất mở rộng triển khai chương trình IM Japan tại khu vực phía Nam cũng như ở vùng sâu, vùng xa – nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Kimura Hisayoshi khẳng định sẽ nỗ lực hợp tác tối đa để tăng số lượng lao động Việt Nam được Nhật Bản tiếp nhận, nhất là ở khu vực phía Nam và các địa phương khó khăn. Ông cho biết IM Japan đang xây dựng kế hoạch mở các khóa đào tạo tại phía Nam và sẽ sớm triển khai chiến dịch truyền thông để NLĐ nắm rõ thông tin, điều kiện và có thể chủ động tham gia, từ đó nâng cao hiệu quả tuyển chọn.
Theo ông Ito Naoki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, bên cạnh việc thúc đẩy chương trình kỹ năng đặc định số 1, Nhật mong muốn hai bên hợp tác hơn nữa để quảng bá chương trình kỹ năng đặc định số 2. Một số ngành nghề như đóng tàu và thiết bị hàng hải, dịch vụ lưu trú hiện được hai bên khẩn trương triển khai để tiến hành thi đánh giá kỹ năng đặc định số 2.
Ông Ito Naoki cũng mong muốn Bộ Nội vụ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Dự án này đang được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam phối hợp với Dolab triển khai.
Thi đánh giá tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM
Theo Dolab, tư cách lưu trú kỹ năng đặc định số 1 của Nhật Bản cho phép NLĐ nước ngoài làm việc trong 14 ngành nghề: xây dựng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp đóng tàu và hàng hải, nông nghiệp, ngư nghiệp, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, khách sạn, chăm sóc người cao tuổi, vệ sinh tòa nhà, sản xuất vật liệu, chế tạo máy móc, thiết bị điện tử và phụ tùng ô tô.
Đáng chú ý, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã công bố chi tiết các kỳ thi đánh giá theo chương trình kỹ năng đặc định số 1 và 2. Các kỳ thi này sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 9-2025 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, tùy theo từng ngành nghề.