Nhịp tim nhanh thế nào là bất thường?

Tôi thường đo huyết áp tại nhà, chỉ số nhịp tim thường từ 86 đến 120 lần mỗi phút. Có phải tôi bị nhịp tim nhanh bất thường không? (Mai Trang, 54 tuổi, Thái Bình)

Trả lời:

Nhịp tim người bình thường trong khoảng 60-100 chu kỳ mỗi phút. Nếu dưới 60 là nhịp chậm, trên 100 là nhịp nhanh. Nhịp tim cũng thay đổi theo độ tuổi, tăng hoặc giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tập thể dục cường độ cao, căng thẳng, thiếu máu, sốt, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, lạm dụng cafein, tác dụng phụ của thuốc, mất cân bằng điện giải, vấn đề nội tiết (tuyến giáp)… khiến nhịp tim tăng lên.

Nếu chỉ dựa vào một vài lần đo nhịp tim trên 100 thì chưa thể kết luận người bệnh bị rối loạn nhịp. Khi nhịp tim hơn 100 lần mỗi phút kèm tức ngực, khó thở, chóng mặt, ngất xỉu, bạn cần đến bác sĩ khám để xác định loạn nhịp do sinh lý hay bệnh lý. Loạn nhịp nhanh thường được phân loại dựa vào nơi xuất phát của ổ loạn nhịp với các vấn đề bệnh lý thường gặp.

Nhịp nhanh xoang xảy ra khi nút xoang hoạt động quá mức kể cả khi nghỉ ngơi. Nút xoang phát ra tín hiệu điện lan đến phần khác của tim, giữ nhịp tim đều đặn, thay đổi tùy theo nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này có thể do căng thẳng hoặc dấu hiệu của một số bệnh lý khác như thiếu máu, vấn đề tuyến giáp, nhiễm trùng.

Nhịp nhanh trên thất là các loại loạn nhịp nhanh xuất phát từ vùng trên tâm thất của tim. Nhịp nhanh trên thất ít đe dọa tính mạng hơn nhịp nhanh thất. Tuy nhiên nhịp tim quá nhanh có thể khiến tim co bóp không hiệu quả, làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan, gây tụt huyết áp, suy tim. Hai loại nhịp tim nhanh trên thất đáng chú ý là cuồng nhĩ, rung nhĩ. Không điều trị kịp thời bệnh cuồng nhĩ, rung nhĩ có thể tạo ra cục máu đông dẫn đến đột quỵ.

Nhịp nhanh thất là nhịp nhanh xuất phát từ tâm thất. Tâm thất là nơi trực tiếp bơm máu từ tim đến bộ phận khác trong cơ thể. Nhịp nhanh thất thường làm giảm nghiêm trọng khả năng co bóp của tim gây tụt huyết áp, ngất, tử vong.

Để chẩn đoán, bác sĩ phân tích từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, người bị nhịp tim nhanh nhưng không hồi hộp, đánh trống ngực, mệt khi gắng sức… hoặc không có bất thường trên điện tâm đồ thì không cần điều trị. Người bệnh có thể vận động, duy trì các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ chậm, bơi lội để từ từ giảm nhịp tim. Với trường hợp bệnh lý, người bệnh cần được bác sĩ khám chuyên sâu để tìm nguyên nhân.

ThS.BS Lê Mạnh Tăng
Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *