Phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh hồi tháng 8-2022, rằng Bình Thuận cần tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và nông nghiệp sạch. Chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy tầm quan trọng của nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Bình Thuận.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV cũng đặt ra mục tiêu đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. Trong đó, nhân lực là nhân tố quyết định thắng lợi mọi mục tiêu nên tỉnh chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao trên tất cả các lĩnh vực.
Chuyển đổi số là một trong những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ. Trong những năm qua, Bình Thuận đã có những bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số và là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi số theo 3 trụ cột chính là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Theo đó, Bình Thuận đặt ra mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, quản trị nhà nước, doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân thông qua chuyển đổi số.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Bình Thuận cũng như nhiều địa phương khác đang gặp phải đó là nhân lực cho chuyển đổi số. Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận cho biết nguồn nhân lực chuyển đổi số của tình nhà đang thiếu hụt, từ nhà quản lý đến chuyên gia, từ kỹ sư đến công nhân công nghệ số.
Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới là đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số không chỉ trong hệ thống công quyền mà còn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng để đưa Bình Thuận sớm nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là trụ cột kinh tế của tỉnh, ngành du lịch Bình Thuận có những sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ thu hút du lịch trong nước và quốc tế. Báo cáo của Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho thấy lũy kế 10 tháng năm 2024, lượng khách du lịch đến Bình Thuận ước đạt 7.971,9 ngàn lượt khách, tăng 13,49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong 10 tháng qua, lượng khách quốc tế đến Bình Thuận ước đạt 312,8 ngàn lượt khách, tăng 46,04% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những dấu mốc quan trọng của ngành du lịch Bình Thuận nhưng cũng đặt ra thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp xanh này.
Tuy các cơ sở đào tạo trong tỉnh đã chủ động tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ với số lượng lớn, cơ cấu ngành nghề đào tạo được điều chỉnh sát với tình hình thực tế nhưng nhu cầu của ngành du lịch ngày một lớn.
Ngành du lịch Bình Thuận phấn đấu có khoảng 75% lao động trực tiếp trong ngành được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch, 50% nhân lực sử dụng được ngoại ngữ vào năm 2025 và 85% lao động trực tiếp trong ngành du lịch được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch, phấn đấu 80% sử dụng được ngoại ngữ vào năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết nguồn nhân lực du lịch trong tỉnh hiện nay còn thiếu, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Để đưa Bình Thuận trở thành điểm đến du lịch hàng đầu khu vực châu Á- Thái Bình Dương, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người lao động, đồng thời thu hút và đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng những sản phẩm du lịch cao cấp.
Theo ông Khoa, một trong những giải pháp thúc đẩy nhanh việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch chính là sự chung tay của các doanh nghiệp trong ngành. Các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch chủ động và tham gia tích cực vào quá trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh bằng việc tổ chức đào tạo, huấn luyện tại chỗ cho người lao động của doanh nghiệp. Đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ giao tiếp cho người lao động, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần cải thiện môi trường, điều kiện làm việc ở các cơ sở kinh doanh du lịch, có chế độ đãi ngộ về vật chất và tinh thần cho người lao động, nhất là cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ có tay nghề cao làm việc tại các doanh nghiệp du lịch.
Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Thuận cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài FDI lớn, nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô “siêu dự án” chuẩn quốc tế cũng đang triển khai. Chính vì vậy, nhu cầu nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh cũng ngày một lớn. Trước mắt, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là khuyến khích người lao động chủ động nâng cao trình độ, kỹ năng thông qua những lớp đào tạo ngắn hạn.
Đồng thời, tỉnh cũng có những chính sách thu hút, sử dụng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, đội ngũ kỹ sư có trình độ khá, giỏi trở lên, cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi, công nhân kỹ thuật lành nghề, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về làm việc ở tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao trên các lĩnh vực thế mạnh với những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước để đáp ứng nhu cầu ngày một cao của doanh nghiệp.