Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu thăm Việt Nam

Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu thăm Việt Nam- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch EC, Đại diện cấp cao EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell Fontelles. Nguồn: Phái đoàn EU tại Việt Nam

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), Đại diện cấp cao Liên minh Châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell Fontelles thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29 đến ngày 31-7.

Dự kiến trong chuyến thăm, Phó Chủ tịch Josep Borell Fontelles sẽ hội kiến Chủ tịch nước Tô Lâm, hội kiến lãnh đạo Chính phủ, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, gặp gỡ báo chí…

Trước đó, ngày 25-7, Phó Chủ tịch EC, Đại diện cấp cao EU về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell Fontelles đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết ông Josep Borell Fontelles sau đó đến Lào tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EU-ASEAN, cũng như Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN.

Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 28-11-1990. Năm 1996, EU mở Phái đoàn Đại diện của Ủy ban Châu Âu (EC) tại Hà Nội.

Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Việt Nam và EU (có hiệu lực từ 1-10-2016) đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – EU, tạo cơ sở pháp lý đưa hợp tác hai bên sang một giai đoạn mới với phạm vi rộng lớn và mức độ hợp tác sâu sắc hơn.

Về kinh tế, năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 58,5 tỉ USD. Kim ngạch 6 tháng đầu năm 2024 đạt 24,7 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. EU hiện là đối tác kinh tế – phát triển quan trọng của Việt Nam, là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất, đối tác thương mại lớn thứ 5, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Mỹ), thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)).

Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) có hiệu lực từ 1-8-2020 là một hiệp định FTA thế hệ mới, có mức độ cam kết rất cao ở nhiều lĩnh vực, lần đầu tiên EU kết thúc đàm phán với một nước đang phát triển ở châu Á. Hiệp định cam kết mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, gồm các quy định về: Quy tắc xuất xứ, Hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại, Phòng vệ thương mại, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhà nước, Mua sắm chính phủ, Sở hữu trí tuệ, Phát triển bình vững, Hợp tác và xây dựng năng lực, Các vấn đề pháp lý…

Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA): bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định này cần sự phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu và Nghị viện các nước thành viên để có hiệu lực. Hiện có 18/27 nước EU phê chuẩn EVIPA. 9 nước chưa phê chuẩn là Ireland, Áo, Ba Lan, Bỉ, Đức, Pháp, Síp, Hà Lan, Slovenia.

Tính đến 20-5-2024, tổng FDI của EU tại Việt Nam đạt 29,88 tỉ USD. EU đứng thứ 5/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.

EU luôn là một trong những nhà cung cấp viện trợ lớn cho Việt Nam. Trong giai đoạn 2021 – 2024, EU cam kết viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 210 triệu Euro.

Ngày 23-10-2017, EC chính thức đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam do các nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hàng năm EC đã tổ chức đoàn thanh tra đến Việt Nam để xem xét các hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp; đồng thời hai bên cũng đã tổ chức họp trực tuyến (2020, 2021) để trao đổi, cập nhật tình hình. EU cam kết tiếp tục xem xét việc gỡ “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam; dự kiến sẽ cử Đoàn thanh tra lần 5 sang Việt Nam trong tháng 10-2024.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *