Sai lầm khi điều trị khiến viêm gan B trở nặng

Người bệnh viêm gan B bỏ điều trị, uống thuốc nam, vẫn sử dụng rượu bia khiến bệnh trở nặng, tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.

Theo BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm, Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, bệnh viêm gan B không thể điều trị khỏi, người bệnh cần chung sống với mầm bệnh suốt đời và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều người bệnh mất kiên nhẫn, sử dụng các phương pháp sai dưới đây khiến bệnh trở nặng.

Bỏ uống thuốc ức chế virus

Khi bệnh viêm gan ở thể hoạt động, người bệnh cần sử dụng thuốc để ức chế hoạt động của virus theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhiều người bệnh thấy virus đã được kiểm soát, ức chế, dẫn tới bỏ thuốc. Thực tế, việc này có thể khiến virus nhân lên ồ ạt, gây hủy hoại tế bào gan dẫn tới suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan.

Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp không tuân thủ điều trị dẫn đến bệnh nặng hơn. Ví dụ người đàn ông 41 tuổi, ở Quảng Ninh mắc viêm gan B khoảng một năm trước, bỏ uống thuốc khi thấy sức khỏe ổn định. Đầu tháng 12, anh phải đến bệnh viện cấp cứu khi chức năng gan suy giảm nhanh trên nền bệnh xơ gan, điều trị 5 tháng.

Mặt khác, với người mang virus ở thể ngủ, virus có thể tái hoạt động bất cứ lúc nào, người bệnh không nên chủ quan, cần theo dõi định kỳ.





Minh họa xét nghiệm viêm gan B và vaccine phòng ngừa. Ảnh: Vecteezy

Minh họa xét nghiệm viêm gan B và vaccine phòng ngừa. Ảnh: Vecteezy

Tự điều trị

Theo bác sĩ Cầm, thông thường, người mắc viêm gan B mạn tính cảm thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng. Vì vậy, nhiều người chủ quan không điều trị hoặc sử dụng thuốc, lá cây được quảng cáo làm mát gan, tốt cho gan, điều trị bệnh viêm gan… “Đây là sai lầm khiến bệnh trở nên nặng hơn”, bác sĩ Cầm khuyến cáo.

Điển hình hồi tháng 10, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), tiếp nhận 2 người phụ nữ 47 tuổi và 34 tuổi, ở Hòa Bình bị suy gan, kèm men gan tăng, vàng da, vàng mắt. Cả hai trường hợp này trước đó đều được chẩn đoán mắc viêm gan B, song tự mua thuốc nam không rõ nguồn gốc và uống cây cà gai leo, giảo cổ lam, cây an xoa để thải độc gan.

Dinh dưỡng không lành mạnh

Theo bác sĩ Cầm, người mắc viêm gan B cần duy trì lối sống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chú ý không sử dụng rượu bia. Lý do là rượu bia chứa nhiều cồn khiến gan phải cố gắng xử lý để đào thải khỏi cơ thể. Người mắc viêm gan B vốn có chức năng gan suy yếu nên việc lạm dụng rượu bia khi mắc bệnh làm tăng nguy cơ suy gan cấp tính, xơ gan. Mặt khác, uống rượu bia, duy trì thói quen ăn thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thức khuya cũng làm suy yếu khiến hệ thống miễn dịch. Từ đó, hiệu quả chống lại nhiễm trùng suy giảm, tạo điều kiện cho virus nhân lên gây tổn thương gan.

Cách phòng ngừa

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm, thường lây qua đường máu, từ mẹ sang con và đường tình dục. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (2021), toàn cầu có khoảng 296 triệu người nhiễm virus viêm gan B mạn tính và có khoảng 1,1 triệu người tử vong liên quan đến các bệnh về gan.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B cao. Bộ Y tế thống kê đến tháng 4 toàn quốc có khoảng 6,6 triệu người mắc viêm gan B.

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc viêm gan B. Tuổi càng nhỏ, nguy cơ viêm gan mạn tính, hoặc ung thư gan sau này càng cao. Viêm gan B làm tăng nguy cơ phát triển thành ung thư gan biểu mô tế bào gan 100 lần. Khoảng 80% các trường hợp mắc ung thư biểu mô tế bào gan trên thế giới và 70% ở Việt Nam là do HBV gây ra.





Trường hợp người lớn tiêm vaccine viêm gan B tại VNVC. Ảnh: Diệu Thuần

Trường hợp người lớn tiêm vaccine viêm gan B tại VNVC. Ảnh: Diệu Thuần

Bác sĩ Cầm khuyến cáo những người đã mắc bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, không nên trị bệnh theo lời mách bảo, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân cần ăn uống lành mạnh, tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích, thuốc lá, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên vận động để nâng cao thể trạng.

Viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con. Người mắc cần thăm khám chuyên khoa để điều trị và dự phòng. Trẻ sinh ra cần tiêm vaccine và huyết thanh phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh, sau đó tiêm tiếp 3 liều vaccine và xét nghiệm viêm gan B lúc 12 tháng tuổi.

Đối với những người chưa mắc bệnh, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất tránh lây nhiễm bệnh. Việt Nam có nhiều loại vaccine viêm gan B dành cho trẻ em và người lớn gồm Heberbiovac HB (Cu Ba) và Gene Hbvax (Việt Nam), Twinrix (Bỉ) phòng viêm gan A và B trong một mũi tiêm; vaccine phối hợp có thành phần viêm gan B như 5 trong 1, 6 trong 1 cho trẻ em.

Người lớn tiêm chủng ba mũi trong vòng 6 tháng, xét nghiệm viêm gan B trước tiêm chủng. Trẻ em cần tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh, sau đó trẻ cần theo sát lịch tiêm ngừa vaccine như vaccine 5 trong 1 hoặc vaccine 6 trong 1.

Diệu Thuần


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *