Sinh con nhờ phôi thai duy nhất

Hà NộiChị Gicel, 36 tuổi, vô sinh 5 năm do cạn kiệt buồng trứng, thụ tinh ống nghiệm chỉ tạo được một phôi duy nhất và đứng trước khả năng có thể thất bại.

“Chúng tôi cược tất cả vào chiếc phôi duy nhất và hạnh phúc đã đến”, anh Michael, chồng chị Gicel, nói hôm 4/12, khi tiệt trùng bình sữa chuẩn bị cho con trai Rian 5 ngày tuổi ăn.





Bác sĩ Lệ Thủy thăm vợ chồng Michael - Gicel và con trai. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Lệ Thủy thăm vợ chồng Michael – Gicel và con trai. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Vợ chồng người Philippines sang Việt Nam sinh sống và làm việc 5 năm nay. Cuối năm 2023, họ đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh) khám. ThS.BS Nguyễn Lệ Thủy cho hay cơ hội đậu thai của chị Gicel rất thấp, ngay cả khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Chức năng sinh sản người chồng bình thường, song vợ bị suy buồng trứng sớm, chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) chỉ 0,85 ng/mL, tiên lượng trứng thu được cực ít, thậm chí không có trứng chất lượng tốt. Chị còn béo phì, tiền đái tháo đường, dính vùng đáy buồng tử cung mức độ nhẹ và vòi tử cung trái thông hạn chế.

Theo bác sĩ Thủy, phương pháp hiệu quả nhất trong trường hợp này là gom noãn và tạo phôi nhiều chu kỳ. Tuy nhiên, vợ chồng Gicel có kế hoạch về nước sau đó hai tháng, bác sĩ phải tối ưu hóa thời gian IVF để sớm đạt kết quả. Đôi vợ chồng được chỉ định thực hiện thụ tinh ống nghiệm, trường hợp thất bại có thể phải xin noãn hiến tặng.

Chị Gicel được điều trị đái tháo đường song song kích trứng, chỉ thu được 2 noãn đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI). Phôi được nuôi cấy trong tủ Timelapse theo dõi động học liên tục, đến ngày 3 chỉ còn một phôi đủ điều kiện chuyển vào buồng tử cung.

“Tỷ lệ thụ thai thành công khi chuyển một phôi ngày 3 chỉ khoảng 40%, thấp hơn nhiều so với phôi ngày 5-6, nhưng nếu nuôi tiếp, có khả năng người bệnh không còn phôi để chuyển”, bác sĩ Thủy giải thích quyết định sử dụng phôi này.

Tình trạng vùng đáy buồng tử cung và vòi tử cung trái của người bệnh chưa cần can thiệp. Tháng 3, bác sĩ Thủy chuẩn bị niêm mạc tử cung cho chị Gicel bằng phác đồ chủ động thời gian và chuyển phôi duy nhất. “Một là có con và có thể là không bao giờ”, anh Michael nói, cho hay không muốn vợ trải thêm chu kỳ điều trị thứ hai vì ảnh hưởng sức khỏe.

Bác sĩ Thủy động viên chị Gicel giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng. Sau 10 ngày chuyển phôi, chị xét nghiệm đậu thai, được bác sĩ Sản Phụ khoa phối hợp khoa Nội tiết theo dõi chặt chẽ. Do thai phụ tăng huyết áp, tiền sản giật, bác sĩ quyết định mổ lấy thai ở tuần 38. Em bé nặng 4,1 kg chào đời khỏe mạnh cuối tháng 11.





Chị Gicel cùng bé Rian. Ảnh: IVF Tâm Anh

Chị Gicel cùng bé Rian. Ảnh: IVF Tâm Anh

TTND.PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc IVF Tâm Anh, cho biết trước đây nhiều người Việt chọn ra nước ngoài để làm thụ tinh ống nghiệm. Song, hiện nhiều người nước ngoài và kiều bào chọn Việt Nam điều trị vô sinh vì chi phí IVF rẻ, tỷ lệ thành công cao. Tại IVF Tâm Anh, tỷ lệ người nước ngoài đến khám và điều trị chiếm khoảng 3% tổng số bệnh nhân.

Với kỹ thuật IVF tiên tiến như phân tích gene, đánh giá phôi bằng trí tuệ nhân tạo, trữ đông trứng số lượng ít, gom phôi… IVF Tâm Anh đã điều trị thành công nhiều ca vô sinh lâu năm, thất bại làm tổ liên tiếp, phụ nữ AMH chạm đáy. Trường hợp vợ chồng vô sinh chỉ có phôi duy nhất để chuyển vào tử cung tương tự chị Gicel chiếm chưa đến 5%, tỷ lệ thụ thai thành công đạt 57%.

Thanh Ba

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *