SK Group chưa thoái vốn khỏi Imexpharm

Đại diện SK Group – tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc – cho biết đang tái cấu trúc danh mục nhưng hiện tại vẫn là cổ đông lớn nhất của Imexpharm.

Thông tin trên được ông Sung Min Woo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP), giải đáp với cổ đông tại phiên họp thường niên hôm 25/4. Ông Min Woo là Trưởng văn phòng của SK Group tại TP HCM và Phó chủ tịch công ty con SK Inc.

Cuối năm trước, truyền thông đưa tin SK Group đang xem xét bán 65% vốn tại Imexpharm. Tập đoàn Hàn Quốc được cho là đã liên hệ với các công ty dược phẩm và các quỹ chuyên đầu tư vốn cổ phần tư nhân để khảo sát về sự quan tâm với phần chuyển nhượng trên.

Theo ông Min Woo, SK đang tiến hành đánh giá và cân nhắc các quyết định mang tính chiến lược nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư và kinh doanh trên toàn cầu, trong đó có thị trường Việt Nam. Việc thay đổi sở hữu tại Imexpharm, nếu có, cũng sẽ là một động thái trong số đó. Tuy nhiên ông nói rằng việc cơ cấu lại danh mục không nhất thiết dẫn tới việc thoái vốn IMP.

“Thời gian này, SK sẽ tiếp tục đồng hành cùng Imexpharm với tư cách là cổ đông lớn nhất và cam kết điều hành doanh nghiệp hiệu quả”, ông Min Woo cho biết.





Nhân viên đang làm việc trong phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) của Imexpharm. Ảnh: IMP

Nhân viên đang làm việc trong phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) của Imexpharm. Ảnh: IMP

Lãnh đạo này đánh giá Imexpharm đã và đang xây dựng được nền tảng tốt từ sản phẩm tới thị trường và bộ máy quản trị. Ngành dược Việt Nam đang là một trong những trọng tâm chiến lược quốc gia. Sản xuất trong nước và kinh tế tư nhân được ưu tiên để dần trở thành trụ cột của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, đại diện tập đoàn đến từ Hàn Quốc tin rằng dù nhà đầu tư có là SK hay không, những lợi thế của IMP cũng không thay đổi.

Imexpharm là đối tác sản xuất của các công ty dược phẩm lớn như Sandoz Group AG, Pharmascience Inc (Canada) và Sanofi SA. SK Group ban đầu mua gần 25% vốn Imexpharm thông qua công ty con SK Investment Vina III vào năm 2020 với số tiền không được tiết lộ. Tỷ lệ nắm giữ của họ tăng lên khoảng 65% vào năm ngoái.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu này đóng cửa phiên 25/4 ở 42.800 đồng một đơn vị, giảm gần 9% so với đầu năm. Hồi tháng 9 năm trước, mã này từng đạt kỷ lục 97.000 đồng. Đây cũng là thời điểm thị trường bắt đầu xuất hiện đồn đoán về việc SK thoái vốn.

Năm nay, Imexpharm đặt kế hoạch doanh thu 2.649 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận trước thuế khoảng 493,5 tỷ đồng, tăng trưởng 22%. Nếu thành công, đây sẽ là mức lãi kỷ lục trong lịch sử hoạt động và là lần thứ 4 liên tiếp họ lập đỉnh mới về lợi nhuận.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Imexpharm tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để mở rộng danh mục sản phẩm, dự kiến ra mắt 16 sản phẩm mới trong năm nay, tập trung vào các phân khúc công nghệ cao như thuốc “first generic”, thuốc tương đương sinh học và các dạng bào chế phức tạp. Công ty mở rộng năng lực sản xuất bằng việc xây dựng nhà máy có công suất 1,4 tỷ đơn vị sản phẩm từ cuối năm nay.

Đồng thời, IMP cũng đang mở rộng độ phủ thị trường. Tại miền Bắc, khu vực được xác định là trọng điểm chiến lược trong kế hoạch phân phối toàn quốc, công ty đã tái cấu trúc toàn diện hệ thống bán hàng, mở rộng đội ngũ, tinh chỉnh mô hình tiếp cận và ghi nhận mức tăng trưởng gần 50% khách hàng trong năm 2024.

Tất Đạt





Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *