Theo kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 của HĐND TP HCM, đến tháng 6-2024, thành phố có 2 trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) công lập, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên có chức năng giới thiệu việc làm và 132 doanh nghiệp (DN) hoạt động theo Luật DN được cấp giấy phép hoạt động DVVL.
Tỉ lệ tìm được việc làm thấp
Bình quân mỗi năm, khoảng 526.000 lao động được các đơn vị ở TP HCM tư vấn việc làm, trên 698.000 người đăng ký tìm việc và trên 487.000 người được giới thiệu việc làm.
Trong đó, từ tháng 12-2020 đến 6-2024, riêng Trung tâm DVVL TP HCM đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 631.839 người; tổ chức 413 phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối người lao động (NLĐ) với DN có nhu cầu tuyển dụng. Trung tâm cũng đã tiếp nhận 518.344 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và 2.142.265 người thông báo tình trạng việc làm hằng tháng.
Theo nhận định của HĐND TP HCM, công tác giới thiệu việc làm, chi trả bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Song, việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm chưa phát huy hiệu quả, số lao động tìm được việc làm không cao, chỉ đạt khoảng 10%.
Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm DVVL TP HCM, cho rằng khâu tuyên truyền về sàn giao dịch việc làm dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thành công trong việc thu hút lao động trẻ. Đa số lao động trẻ hiện nay thường tiếp cận các kênh như TikTok, YouTube và các hội nhóm tuyển dụng trên Facebook, Zalo… để tìm việc.
Ngoài ra, nhiều người hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ muốn tìm việc làm thời vụ, không ký hợp đồng lao động, không tham gia các khoản bảo hiểm để vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho những người này rất khó khăn.
Một yếu tố khác là mức lương, điều kiện tuyển của DN chưa phù hợp với yêu cầu của NLĐ. Nhiều NLĐ có xu hướng chuyển về địa phương tìm việc làm mới nhằm giảm chi phí sinh hoạt, đoàn tụ gia đình. Đối với nhóm lao động phổ thông, lớn tuổi, việc tiếp cận công nghệ để kết nối giới thiệu việc làm còn hạn chế.
Cơ sở vật chất, số lượng nhân sự của Trung tâm DVVL TP HCM chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, việc tuyển nhân sự có trình độ cao tại trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn do thu nhập thấp.
Hiện nay, TP HCM có 7 điểm tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp (60 viên chức, 68 lao động hợp đồng) và 128 người thực hiện nhiệm vụ liên quan tại Trung tâm DVVL. “Trung tâm đã đề xuất bổ sung nhân sự làm việc tại các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp nhưng đến nay, Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) chưa có văn bản phản hồi” – bà Thục cho hay.
Đầu tư vật chất, con người
Theo TS Võ Trung Tín, giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, NLĐ có thể tìm kiếm công việc qua nhiều kênh khác nhau, từ phương tiện truyền thống như báo giấy đến những nền tảng số hiện đại. Dù vậy, các trung tâm DVVL vẫn là đầu mối tìm việc quan trọng, giúp kết nối cung – cầu lao động.
So với các nền tảng trực tuyến, trung tâm DVVL có sự hỗ trợ và đồng hành với NLĐ, giúp họ tự tin hơn trong quá trình tìm việc làm và phát triển nghề nghiệp. Khi NLĐ cần hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hoặc đào tạo lại, các trung tâm này cũng đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để bảo đảm hiệu quả hoạt động trong bối cảnh số hóa, các trung tâm DVVL phải có những điều chỉnh, bên cạnh sự hoàn thiện của quy định pháp luật. Trong đó, pháp luật cần quy định cụ thể về điều kiện thành lập trung tâm DVVL liên quan yếu tố cơ sở vật chất.
“Ngoài ra, cần bổ sung các tiêu chuẩn đối với đội ngũ nhân sự làm việc tại các trung tâm DVVL (trình độ học vấn, chứng chỉ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc từng vị trí…), bảo đảm họ có đủ năng lực để xử lý các tình huống thực tế, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho NLĐ và DN” – ông Tín đề xuất.
Ông Nguyễn Tất Năm, nguyên Trưởng Phòng Lao động – Tiền lương – BHXH, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, cho rằng dù đã nỗ lực số hóa nhưng việc áp dụng công nghệ ở các trung tâm DVVL chưa triệt để. Cục Việc làm cần nhanh chóng đẩy mạnh thực hiện chiến lược số hóa thông tin việc làm và thị trường lao động; tăng cường đầu tư hạ tầng số cho hệ thống trung tâm DVVL để thực hiện hiệu quả thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, nên chú trọng khâu tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên thuộc hệ thống trung tâm DVVL theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong xã hội số. “Cần mở rộng, đa dạng việc tư vấn, giới thiệu việc làm và tăng cường kết nối trong hệ thống thị trường lao động. Qua đó, tạo thuận lợi cho NLĐ và người sử dụng lao động tiếp cận, thụ hưởng” – ông Năm nhìn nhận.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Theo Trung tâm DVVL TP HCM, thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối việc làm, như hoàn thiện phần mềm giới thiệu việc làm; xây dựng nền tảng thông tin chung giữa TP HCM với các tỉnh, thành lân cận…
Việc này nhằm hỗ trợ DN và NLĐ tiếp cận các phương thức tuyển dụng mới, kịp thời nắm bắt thông tin thị trường lao động, có thêm cơ hội tìm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ.