Thai phụ cần giữ vệ sinh cá nhân, chủng ngừa trước khi sinh để tránh nguy cơ mắc bạch hầu, bảo vệ em bé những tháng đầu đời.
BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo như trên trong bối cảnh Thanh Hóa vừa ghi nhận một thai phụ mắc bạch hầu, chưa rõ nguồn lây và tiếp xúc gần nhiều người.
Tiêm phòng là cách ngừa bạch hầu hiệu quả nhất hiện nay. Phụ nữ mang thai cần chủng ngừa một mũi bạch hầu – ho gà – uốn ván vào ba tháng giữa hoặc cuối thai kỳ. Thời gian tiêm trước khi sinh tối thiểu một tháng và nhắc lại ở những lần mang thai tiếp theo. Nếu tiêm đúng lịch, hiệu quả bảo vệ của vaccine đến 97%. Người có tiền sử dị ứng nặng với thành phần vaccine hoặc hôn mê, bất tỉnh, co giật kéo dài không được tiêm chủng.
Để giảm nguy cơ nhiễm bệnh cho thai phụ, thành viên trong gia đình cũng cần chủng ngừa. Trẻ em tiêm phòng từ hai tháng tuổi với vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Phác đồ tiêm gồm bốn mũi vào 2, 3, 4 và 16-18 tháng tuổi, nhắc lại loại có thành phần bạch hầu khi 4-6 tuổi. Người lớn tiêm nhắc một mũi mỗi 10 năm, kể từ mũi tiêm lúc 9-15 tuổi.
Ngoài vaccine, gia đình kết hợp thêm nhiều biện pháp khác nhằm tăng hiệu quả phòng bệnh, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Thai phụ chú ý giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng… Đảm bảo nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng. Trường hợp nghi mắc bệnh, cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
Bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở Việt Nam. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 7 ca mắc, trong đó một trường hợp tử vong. Mới nhất là thai phụ 17 tuổi, ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, nhập viện hôm 5/8. Bệnh nhân hiện được cách ly, điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, nữ sinh 18 tuổi ở Nghệ An tử vong hôm 5/7. Một người bạn từng ở chung phòng nữ sinh này, sau đó về Bắc Giang sinh hoạt, hiện dương tính và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội. Một người khác tiếp xúc gần với nữ sinh Bắc Giang cũng có kết quả dương tính.
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do ngoại độc tố của vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Bệnh xuất hiện rải rác quanh năm, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm nhắc, không rõ tiền sử tiêm.
Bạch hầu lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch. Mầm bệnh có thể sống trong nước uống, sữa tươi đến 20 ngày. Bệnh được chia làm nhiều thể dựa trên vị trí vi khuẩn gây ra triệu chứng, như thể ở mũi trước, hầu họng và amidan, thanh quản. Hiếm gặp hơn là thể da, mắt, ống tai…
Thời gian ủ bệnh 2-5 ngày, cơ thể chưa biểu hiện triệu chứng. Sau đó, người bệnh sẽ sốt nhẹ, đau họng, khó chịu, sổ mũi lẫn máu; họng hơi đỏ, amidan có điểm trắng mờ… Ở giai đoạn toàn phát, bệnh biểu hiện rõ ràng với các triệu chứng điển hình như sốt cao, nuốt đau, da xanh tái; khám họng thấy giả mạc lan tràn ở một bên hoặc hai bên amidan, lan trùm cả lưỡi gà lẫn màn hầu.
Bệnh có tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%, có thể tăng đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ ước tính phụ nữ mang thai mắc bạch hầu thể hô hấp, tỷ lệ tử vong đến 50% khi không được truyền thuốc kháng độc tố. Dù qua khỏi, thai phụ vẫn gặp nguy cơ thai lưu hoặc sinh non. Người mẹ mắc bạch hầu hô hấp còn có thể lây sang em bé trong quá trình chăm sóc sau sinh.
Mộc Thảo
12h thứ 6, ngày 9/8, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp Sanofi Pasteur (Pháp) tổ chức lớp tư vấn sức khỏe thai sản số 30 với hai bài giảng:
– “Những vaccine quan trọng cho bà bầu & trẻ sơ sinh”, tư vấn bởi bác sĩ Nguyễn Thị Hà, Bác sĩ Trưởng, Trung tâm Tiêm chủng VNVC Bình Phước, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
– “Chăm sóc thai kỳ và những lưu ý quan trọng sau sinh” tư vấn bởi BS.CKI Đoàn Văn Hòa, khoa sản, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bình Phước.
Lớp học diễn ra tại VNVC Bình Phước ở 1109 Phú Riềng Đỏ, phường Tân Bình, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Độc giả đăng ký tại đây.