Lượng mỡ dư thừa do thừa cân, béo phì giải phóng các chất gây viêm dẫn đến tình trạng kháng insulin gây rối loạn đường huyết.
Thừa cân, béo phì xảy ra khi cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ, chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 kg/m2 trở lên, vòng bụng trên 80 cm với nữ và trên 90 cm với nam. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như viêm xương khớp, tim mạch, đột quỵ, tiểu đường type 2.
BS.CKII Trần Thùy Ngân, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết tăng cân góp phần gây rối loạn lượng đường trong máu chủ yếu thông qua tình trạng kháng insulin. Insulin là hormone chịu trách nhiệm điều chỉnh lượng glucose trong máu.
Bác sĩ Ngân giải thích ở người thừa cân, nhất là bụng to, các tế bào mỡ giải phóng hóa chất gây viêm làm giảm độ nhạy cảm của cơ thể với insulin, khiến glucose khó đi vào tế bào. Lúc này, tuyến tụy buộc phải sản xuất nhiều insulin hơn dẫn đến làm việc quá sức, giảm khả năng sản xuất insulin và kiểm soát lượng đường trong máu. Khi tuyến tụy sản xuất không đủ insulin hoặc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả, năng lượng không được vận chuyển đi nuôi tế bào, làm tăng đường huyết và dần hình thành bệnh tiểu đường type 2. Người bệnh béo phì có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao hơn so người có trọng lượng cơ thể vừa phải.
Các xét nghiệm cơ bản để xác định sớm bệnh tiểu đường bao gồm xét nghiệm đường máu lúc đói, đo chỉ số HbA1C (đánh giá đường huyết trung bình trong 2-3 tháng), kiểm tra dung nạp glucose, xét nghiệm lượng đường trong máu ngẫu nhiên…
Phương pháp điều trị tiểu đường ở người thừa cân, béo phì, gồm sử dụng các thuốc có cơ chế chống lại tình trạng đề kháng insulin, giảm cân để kiểm soát được đường huyết. Giảm cân làm giảm các tế bào mỡ, ngăn tình trạng kháng insulin, chuyển hóa đường tốt hơn.
Người bệnh giảm được 5-10% trọng lượng cơ thể, góp phần kiểm soát sự tăng đường huyết tốt hơn. Một số biện pháp như áp dụng chế độ ăn hợp lý, ăn thực phẩm nhiều chất xơ, các loại rau xanh, trái cây tươi. Tránh món ăn nhiều đường và tinh bột.
Người thừa cân, béo phì không mắc bệnh tiểu đường nhưng thuộc nhóm nguy cơ cao phát triển bệnh này do cơ thể kháng insulin. Bác sĩ Ngân khuyến cáo người trên 30 tuổi bị thừa cân, béo phì nên tầm soát bệnh tiểu đường mỗi năm. Ăn uống điều độ kết hợp luyện tập hợp lý để điều chỉnh cân nặng, phòng ngừa tiểu đường hiệu quả hơn.
Đức Hạnh
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |