Chủ động tham gia, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh toàn cầu là điều cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của KCN và doanh nghiệp trên trục cao tốc phía Đông.
Nhằm tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh toàn cầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng UBND 4 tỉnh, thành: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên đã triển khai thỏa thuận “Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông (VEHEC)” từ năm 2022.
Động lực kinh tế quan trọng
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, thỏa thuận VEHEC là mô hình kết nối tiểu vùng đầu tiên. VEHEC hướng đến thiết lập một cơ chế phối hợp nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, khai thác thế mạnh của từng địa phương và tăng cường hợp tác liên tỉnh trong khu vực, qua đó tối đa hóa khả năng kinh tế của tiểu vùng.
Chủ tịch VCCI cho rằng VEHEC là một động lực kinh tế quan trọng của miền Bắc. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng GRDP của 4 địa phương nêu trên đạt mức cao, từ 9%-12% mỗi năm, cao hơn mức trung bình của 63 tỉnh, thành cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2024, các thành viên VEHEC vẫn duy trì mức tăng trưởng GRDP cao, với TP Hải Phòng 9,77%, Quảng Ninh 8,02%, Hải Dương 9,31% và Hưng Yên 8,07% – vượt xa mức bình quân 6,82% của cả nước.
Đáng chú ý, VEHEC dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với các dự án lớn của Samsung, LG, Foxconn và nhiều tập đoàn đa quốc gia khác. Môi trường đầu tư ngày càng minh bạch và thuận lợi nhờ vào các chính sách cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp (DN).
Tuy nhiên, việc liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh vẫn là bài toán khó đối với các DN ở 4 tỉnh, thành dọc trục cao tốc phía Đông nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, cần phải nhanh chóng tìm ra giải pháp để sớm tháo gỡ khó khăn về công nghệ, chi phí đầu tư phát triển chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh; xây dựng khu công nghiệp (KCN) xanh tại các DN, KCN trên địa bàn.
Ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét việc liên kết chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu với yếu tố thông minh là rất khó. Do đó, cần phải xem xét thực trạng các DN hiện nay để khắc phục những điểm yếu nhằm đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh toàn cầu.
“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030 phải chuyển đổi các KCN hiện có trở thành KCN sinh thái và KCN thông minh với tỉ lệ 60%, 40% còn lại thực hiện sau năm 2030. Vậy chúng ta cần phải làm gì?” – ông Thắng đặt vấn đề.
Hợp tác, chia sẻ lợi ích lâu dài
Ông Phan Hữu Thắng cho rằng các KCN ở trục cao tốc phía Đông không chỉ cần vượt qua hình ảnh truyền thống – là những địa điểm sản xuất tập trung, mà còn phải trở thành nơi để người lao động gắn bó, yên tâm phát triển, cống hiến và thụ hưởng thành quả làm việc.
Theo ông Thắng, người lao động sẽ khó có thể học hỏi, cải thiện năng suất nếu KCN còn thiếu những hạ tầng bổ trợ như nhà trẻ, nhà ở, rạp chiếu phim… Vấn đề đặt ra là phải tạo động lực để KCN cải thiện một cách thực chất các phương diện này.
Bên cạnh đó, cần phải giúp cải thiện đáng kể sự liên kết giữa các DN, nhất là DN trong nước với nước ngoài. Hiệu quả của KCN không chỉ được đánh giá bởi tỉ lệ lấp đầy, quy mô DN, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước… mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kết với nhau để tận dụng lợi thế của các địa phương.
“Tính chất bền vững của KCN không chỉ được phản ánh ở khía cạnh bảo vệ môi trường, giảm phát thải mà còn là khả năng hợp tác và chia sẻ lợi ích lâu dài giữa các DN” – ông Thắng nhìn nhận.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh những KCN ở trục cao tốc phía Đông cần phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm phát thải, gắn với việc phát huy trách nhiệm xã hội của DN. KCN phải đóng góp đáng kể vào việc chuyển đổi không gian phát triển, áp dụng thí điểm các mô hình KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế, thu hút nhiều dự án sản xuất công nghiệp và dịch vụ công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Tổng Giám đốc ROX iPark, việc chuyển đổi xanh của DN trong chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh là theo xu hướng của thế giới, nhằm đáp ứng các tiêu chí của khách hàng, hướng tới mục tiêu chung tay triển khai chiến lược xanh hóa quốc gia. Khách hàng của DN trong chuỗi hiện nay là các DN FDI, vốn xuất khẩu nhiều hàng hóa, sản phẩm, nên yêu cầu về xanh và thông minh là thiết yếu.
Để đầu tư được các KCN xanh, thông minh thì vấn đề tài chính, con người đóng vai trò quan trọng. Do vậy, cần có chính sách vốn linh hoạt hơn để giúp DN phát triển, đầu tư và ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ thông minh.
Trong khi đó, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhận định việc chuyển dịch chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ, ngày càng hướng đến công nghệ cao, sản xuất thông minh. Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến hấp dẫn, là trung tâm sản xuất mới ở châu Á. Do đó, việc chủ động tham gia, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh toàn cầu là điều cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của KCN và DN.
Thỏa thuận VEHEC là một sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên; mở ra cơ hội kết nối các KCN của 4 tỉnh, thành này với chuỗi cung ứng, sản xuất thông minh toàn cầu.
VEHEC xác định 8 lĩnh vực ưu tiên tăng cường liên kết: Xúc tiến thương mại và đầu tư, phát triển giao thông và logistics, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển du lịch và dịch vụ… Trong đó, VEHEC nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác trong chuỗi cung ứng, sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.