Khi quy mô thương mại điện tử Việt Nam lên 100 tỷ USD vào 2030, rác nhựa từ lĩnh vực này có thể tới 800.000 tấn nếu không có giải pháp trong đóng gói, theo VECOM.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết sự phát triển nhanh chóng của ngành thương mại điện tử kéo theo nhiều tác hại môi trường, gồm phát thải trong đóng gói, hoàn thiện đơn hàng và đặt đồ ăn online.
Năm ngoái, quy mô thị trường mua hàng trực tuyến và giao đồ ăn của Việt Nam đạt lần lượt 22 tỷ USD và 1 tỷ USD. Lĩnh vực này thải ra 160.000 tấm bìa carton và 171.000 tấn nhựa, chủ yếu là loại dùng một lần, theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).
Chỉ tính riêng rác thải nhựa, để bán ra 1 tỷ USD, ngành thương mại điện tử thải hơn 7.600 tấn. Còn giao đồ ăn thải gần 18.600 tấn nhựa.
VECOM cho rằng nếu không có giải pháp mạnh mẽ trong đóng gói hàng hóa, đến năm 2030, khi quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt gần 100 tỷ USD, rác thải nhựa từ lĩnh vực này sẽ lên tới 800.000 tấn.
Theo báo cáo được hiệp hội này đưa ra hồi giữa tháng 12, 80% người dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử gây tác động xấu hoặc rất xấu tới môi trường. 21% cho rằng ngành này kém thân thiện với môi trường hơn thương mại truyền thống. Dù một số sàn thương mại điện tử hay website bán hàng cung cấp tùy chọn giải pháp thân thiện với môi trường, nhiều khách vẫn ngại vì phải trả thêm tiền.
Để kênh bán online thân thiện hơn với môi trường, ông Nguyễn Thanh Hưng, Hội đồng tư vấn cấp cao của VECOM cho biết hiệp hội này kiến nghị lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường trong chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành thương mại điện tử, logistics, bưu chính – chuyển phát.
Với thương mại điện tử, kế hoạch tổng thể phát triển ngành này giai đoạn 2026-2030 đang chờ Thủ tướng phê duyệt. Theo dự thảo hồi tháng 4, phát triển thương mại điện tử theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững là một trong 5 mục tiêu của ngành tới 2030. Trong đó, các doanh nghiệp sẽ giảm sử dụng bao bì nhựa, thải carbon và tăng loại tái chế được.
Tuy nhiên, Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2030 được ban hành cách đây hai năm chưa có nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường. Do đó, VECOM đề xuất sửa đổi để lồng ghép yếu tố xanh vào chiến lược này. Họ đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành chuẩn cụ thể về bao bì, vật liệu nhựa, phương tiện giao hàng mà các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh trong lĩnh vực này cần tuân thủ.
Ngoài ra, hiệp hội cũng đề nghị triển khai bộ tiêu chí thương mại điện tử xanh, các sáng kiến môi trường và thực hiện kinh tế tuần hoàn trong ngành.
Thủy Trương