Sáng 18-12, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương phối hợp Trường Trung cấp nghề nghiệp vụ tỉnh tổ chức hội thảo “Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”.
Hội thảo thu hút hàng trăm doanh nghiệp, các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh hội thảo nhằm tập trung làm rõ thực trạng đào tạo và giải quyết việc làm hiện nay, cũng như định hướng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Qua đây, các bên cùng tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, tạo sự gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức đào tạo và sản xuất kinh doanh.
Theo ông Tài, Bình Dương hiện đang đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn hơn 43 tỉ USD. Đáng chú ý, mới đây, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã chọn Bình Dương để đầu tư nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới tại KCN VSIP IIII, có vốn đầu tư hơn 1,3 tỉ USD. Dự kiến LEGO sẽ tuyển dụng khoảng 4.000 lao động.
Ông Tài cho rằng các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp phải liên kết đào tạo, làm sao đáp ứng tốt nhất nhu cầu về nguồn nhân lực. Về phía doanh nghiệp, việc chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề cũng là cách để giữ chân người lao động, qua đó cũng giúp họ cải thiện thu nhập.
Bà Huỳnh Thị Nhất Bình, Trưởng Phòng Nhân sự cấp cao Công ty TNHH LEGO Manufacturing Việt Nam, cho biết hiện nay, LEGO đang trong quá trình tuyển dụng lao động, do đặc thù của doanh nghiệp nên cần tuyển số lượng lớn lao động qua đào tạo, có tay nghề để đáp ứng yêu cầu công việc. “LEGO mong muốn được hợp tác với các trường để đào tạo nguồn lao động chất lượng”- bà Bình nói.
Trong khi đó, đại diện Công ty Manpower lo ngại công nghệ AI sẽ tham gia nhiều trong các khâu của doanh nghiệp như marketing, sản xuất…, do đó các trường cần nắm bắt xu hướng để đào tạo cho phù hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang hướng đến đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nên lao động nữ sẽ tham gia vào các ngành nghề khoa học, công nghệ nhiều hơn…
Từ thực tiễn trên, tham luận tại hội thảo đại diện các trường đã đưa ra các giải pháp đào tạo, trong đó nhấn mạnh vào việc đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ông Phạm Tuấn Thành, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề nghiệp vụ Bình Dương, cho rằng hiện nay nhà trường đang liên kết với khoảng 700 doanh nghiệp trên địa bàn, công tác đào tạo linh hoạt, có thể học lý thuyết tại trường, nhưng thực hành ứng dụng ngay trên thiết bị máy móc tại doanh nghiệp.
Theo ông Thành, khó khăn với trường nghề hiện nay là công tác dạy nghề chưa thực sự thu hút sự quan tâm và lựa chọn ưu tiên của đa số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì vậy, số lượng tuyển sinh hàng năm chưa nhiều, bên cạnh đó sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục chưa thật sự chặt chẽ…
Một số ý kiến của doanh nghiệp cũng đề cập đến việc cần truyền thông mạnh mẽ để phụ huynh, học sinh hiểu rõ hơn tầm quan trọng của học nghề, chứ không phải đại học là con đường duy nhất để thành công. Ngoài ra, các trường cũng cần chú trọng đào tạo ý thức, trách nhiệm, tác phong công nghiệp cho học viên.
Trong khuôn khổ hội thảo, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương cùng Trường Đại học Thủ Dầu Một và Trường Trung cấp nghề nghiệp vụ Bình Dương đã ký kết biên bản ghi nhớ 3 nhà trong việc phối hợp tổ chức trao đổi, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới cho trường nghề đáp ứng vào chương trình đào tạo và thực tế sản xuất của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cũng ký kết biên bản hợp tác với 15 trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh; Công ty Cổ phần khu công nghiệp Tân Bình và Trường Trung cấp nghề nghiệp vụ Bình Dương cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác…