Thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM hôm 2-8 cho hay có những tín hiệu tích cực sau một năm thực hiện Quyết định 812/QĐ-UBND của UBND TP HCM về quy định cơ chế phối hợp thực hiện việc tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác.
Theo đó, số người lang thang, xin ăn ở nơi công cộng đã giảm. Số vụ phạm pháp hình sự cũng được kéo giảm rõ rệt, nhất là các vụ trộm cắp và tệ nạn ma túy.
Dù vậy, con số chỉ 1.059/2.353, tương ứng 45%, người được lập hồ sơ đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội ở độ tuổi lao động; các đối tượng lang thang xin ăn thường hoạt động ngoài giờ làm việc, di chuyển giữa các địa bàn… gây nhiều trăn trở. Ngoài ra, có tình trạng giả dạng bán vé số, tăm bông, kẹo cao su khiến công tác quản lý, tập trung của lực lượng chức năng gặp khó.
Thực tế, trong ngày 2-8, chỉ riêng quãng đường từ quận 3 sang quận 12, phóng viên Báo Người Lao Động đã bắt gặp hình ảnh trên tại nhiều giao lộ.
Để tối ưu công tác tập trung, hỗ trợ cũng như góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, bên cạnh việc triển khai tốt hơn Quyết định 812, những camera trên đường phố, ngã tư có chức năng theo dõi an ninh, giám sát giao thông nên thêm nhiệm vụ.
Khi những dữ liệu hình ảnh được chia sẻ với hệ thống của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, việc phát hiện, sàng lọc sẽ hiệu quả hơn. Qua đó, bảo vệ kịp thời những mảnh đời bất hạnh cũng như xử lý nghiêm khắc mọi cá nhân có động cơ trục lợi tình thương.
Áp dụng giải pháp này cũng là một chỉ báo tốt về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý xã hội.