Trường trung học được phép xây cao 5 tầng

Các trường cấp 2 và 3 được xây 5 tầng, tăng thêm 5 lớp so với hiện nay, nên có thể nhận thêm học sinh trong bối cảnh các thành phố thiếu đất xây trường.

Nội dung trên nằm trong thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, phổ thông, ban hành ngày 16/12, có hiệu lực từ 31/1/2025.

Theo đó, trường tiểu học, THCS (lớp 6-9) và THPT (lớp 10-12) đều được xây tối đa 5 tầng, tăng 1-2 tầng so với trước. Số lớp tối đa của các trường THPT được tăng thêm 5 lớp.

Hiện, Bộ quy định các trường THPT không quá 45 lớp, sĩ số lớp tối đa là 45 học sinh. Với quy định mới, nếu đáp ứng điều kiện, các trường THPT công lập có thể nhận thêm khoảng 225 học sinh cho ba khối, trung bình 75 em lớp 10 mỗi năm.

Ngoài ra, Bộ giảm yêu cầu về diện tích bình quân trên một học sinh cho trường học ở đô thị loại III trở lên, từ 10 xuống 8 m2 với trẻ mầm non, 8 xuống 6 m2 với học sinh tiểu học và THCS. Riêng bậc THPT, quy định hiện hành chưa có tiêu chí này nên được bổ sung – cũng là 6 m2 với một học sinh.

Cũng theo quy định mới, phòng nghỉ dành cho giáo viên, các tổ chức Đảng, đoàn thể không còn là yêu cầu bắt buộc của các trường khi muốn đạt chuẩn quốc gia.

Những thay đổi trong bối cảnh thời gian qua, nhiều trường học ở đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, quá tải, trong khi quỹ đất để xây trường ngày càng ít. Đây cũng là yếu tố khiến các trường ở những khu vực này khó đạt chuẩn quốc gia.

Lãnh đạo Hà Nội nhiều lần kiến nghị được hưởng cơ chế đặc thù, trong đó có việc tính diện tích sàn thay đất sử dụng, cho các trường ở nội thành nâng tầng và xây thêm tầng hầm… Việc này nhằm giúp thành phố tận dụng hiệu quả quỹ đất để xây thêm trường, giảm sĩ số lớp, giảm áp lực cho kỳ thi vào lớp 10 công lập.

Tháng 7/2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết ủng hộ đề xuất của Hà Nội vì “không gian đô thị có đặc thù riêng”, song nhấn mạnh làm gì “cũng phải đảm bảo không gian và an toàn”.

Tới đầu tháng 10 năm nay, Chính phủ ban hành Nghị định 125 về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tạo cơ sở để Bộ ban hành thông tư mới với những thay đổi như trên. Nghị định nêu rõ: Với khu vực nội thành của các đô thị đặc biệt, trường học có thể dùng diện tích sàn thay cho diện tích khu đất xây trường.





Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM, trong ngày khai giảng năm học, tháng 9/2024. Ảnh: Thanh Tùng

Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM, trong ngày khai giảng, hồi tháng 9. Ảnh: Thanh Tùng

Năm học 2024-2025, cả nước có khoảng 23 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Hà Nội đông nhất với 2,3 triệu, TP HCM có hơn 1,7 triệu, chiếm 17% số học sinh cả nước.

Thanh Hằng


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *