Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ tăng thừa cân béo phì cao nhất toàn cầu, kể cả người lớn lẫn trẻ em, trong khi mức độ sẵn sàng đối phó với vấn đề này lại ở mức kém.
Thông tin được BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP HCM, nêu ra hội nghị khoa học ngày 21/12. Theo Liên đoàn Béo phì Quốc tế (WOF), tốc độ tăng thừa cân béo phì ở nữ giới Việt trong giai đoạn 1995-2016 dẫn đầu toàn cầu với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 6,9% và ở nam giới đứng thứ hai với tỷ lệ 9,5%, sau Lào.
Liên đoàn này cũng dự đoán đến năm 2030, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ và số lượng trẻ em tuổi học đường thừa cân béo phì cao nhất thế giới. Điều này gây tổn thất lớn về kinh tế, tạo gánh nặng nghiêm trọng lên hệ thống y tế.
Theo thống kê của Bộ Y tế, thừa cân béo phì ở người trưởng thành lẫn trẻ em Việt Nam tăng gấp hai lần, lên hơn 20%, trong thập niên từ 2010 đến 2020. Riêng tại TP HCM, tỷ lệ thừa cân béo phì ở tất cả lứa tuổi gấp đôi số trung bình cả nước. Theo Điều tra dinh dưỡng tại thành phố này, 57% học sinh tiểu học, 42% học sinh trung học cơ sở, 25% học sinh trung học phổ thông, bị thừa cân béo phì.
Trên toàn cầu, béo phì đang trở thành vấn đề sức khỏe đáng quan ngại nhất. Ước tính, cứ 8 người thì có một béo phì. Thế giới ghi nhận 42% người trưởng thành thừa cân béo phì năm 2020, dự kiến tăng lên 54% vào năm 2035.
Thừa cân béo phì ở trẻ em cũng đang gia tăng nhanh, với tỷ lệ 22% vào năm 2020 và khả năng tăng lên 39% vào năm 2035. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2013 từng đưa mục tiêu “zero”, tức không tăng béo phì cho đến năm 2025, song đến nay đã thất bại.
Hiện nay, định nghĩa của béo phì đã thay đổi, trở thành bệnh lý mạn tính phức tạp. Theo WHO, bệnh này được xác định bởi tình trạng thừa mỡ quá mức có thể làm suy giảm sức khỏe. Trong hầu hết trường hợp, béo phì là một bệnh lý đa yếu tố do môi trường, các yếu tố tâm lý xã hội và các biến thể di truyền. Trong mỗi phân nhóm, có thể xác định được các yếu tố nguyên nhân chính như thuốc, dinh dưỡng, bệnh lý, bất động, bệnh đơn gene hoặc hội chứng di truyền…
Theo bác sĩ Diệp, thừa cân béo phì gây ra hơn 200 bệnh lý khác nhau, về sức khỏe tâm thần, tim mạch, rối loạn đông máu, bệnh lý da, cơ xương khớp, niệu khoa, các bệnh ác tính, rối loạn chuyển hóa, hô hấp…
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của thừa cân béo phì là các thực phẩm nhiều năng lượng, giàu chất béo, đường, thực phẩm siêu chế biến, gene, sức khỏe tinh thần, rối loạn giấc ngủ, ít hoạt động thể lực… Ngoài ra, một yếu tố góp phần quan trọng là cơ chế tự nhiên của cơ thể giải quyết vấn đề đói – khó khăn lớn nhất khi giảm cân và duy trì tình trạng giảm cân đã thiết lập.
Liên Hợp Quốc cho rằng béo phì là vấn đề sức khỏe toàn cầu và cần có giải pháp tăng tốc của các quốc gia. WOF đánh giá mức độ sẵn sàng đối phó với thừa cân béo phì của Việt Nam ở mức kém. Việt Nam chưa làm được 30% những hoạt động theo kế hoạch tăng tốc kiểm soát béo phì của WHO. Chẳng hạn, nhiều nước trong khu vực ASEAN đã đánh thuế đồ uống có đường, thực phẩm có đường, song Việt Nam mới chỉ bàn bạc, đề xuất.
Bác sĩ Diệp cho rằng 4 trụ cột trong điều trị béo phì là dinh dưỡng, vận động, thay đổi hành vi và can thiệp y tế. Mục tiêu quan trọng là phòng ngừa và điều trị các biến chứng có liên quan đến béo phì để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chọn lựa phương pháp điều trị tùy thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Can thiệp dinh dưỡng lối sống là nền tảng và phải có trong tất cả các phương pháp điều trị.
Cần chủ động kiểm soát cân nặng thông qua duy trì dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực, thực hành các phương pháp giảm cân khoa học. Phần lớn người Việt ăn không đủ nhu cầu kiến nghị về rau và trái cây, vận động thể lực ít.
Lê Phương