Ưu tiên giải quyết quyền lợi của người lao động

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 26.670 đơn vị sử dụng lao động phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, không còn người đại diện theo pháp luật nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với tổng số tiền 3.176 tỉ đồng. Số nợ này hầu như không có khả năng thu hồi, gây ảnh hưởng quyền lợi của 206.486 lao động.

Hàng trăm ngàn người lao động thiệt thòi

Theo thống kê của cơ quan BHXH, trong số 26.670 đơn vị sử dụng lao động nêu trên, số đã phá sản là 1.473 đơn vị (22.897 lao động, tổng số tiền chậm đóng là 323 tỉ đồng); số đang làm thủ tục giải thể là 1.379 đơn vị (11.620 lao động, tổng số nợ BHXH là 90 tỉ đồng); đơn vị không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh là 8.280 (71.459 lao động, tổng số nợ là 1.227 tỉ đồng); đơn vị không còn người đại diện theo pháp luật là 15.538 (100.492 lao động, số tiền nợ là 1.535 tỉ đồng).

TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP SIẾT CHẶT NỢ BẢO HIỂM (*): Ưu tiên giải quyết quyền lợi của người lao động - Ảnh 1.

Chủ doanh nghiệp nợ BHXH bỏ trốn khiến người lao động Công ty TNHH Nam Phương thiệt thòi quyền lợi. Ảnh: MAI CHI

Bộ Nội vụ cho hay việc các đơn vị chậm đóng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi về BHXH của người lao động (NLĐ) khi đề nghị giải quyết hưởng các chế độ BHXH. Bởi mức hưởng BHXH của NLĐ được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH, đồng thời điều kiện hưởng một số chế độ gắn với thời gian, mức đóng BHXH của các tháng liền kề trước thời điểm hưởng, giới hạn về thời hạn nhận hồ sơ, giải quyết chế độ. Vì vậy, cơ quan BHXH không có cơ sở để xem xét, giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ bị chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và thực hiện Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội khóa XV, về việc giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với NLĐ trong trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) không còn khả năng đóng BHXH trước ngày 1-7-2024, vừa qua Bộ Nội vụ đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.

TĂNG CƯỜNG GIẢI PHÁP SIẾT CHẶT NỢ BẢO HIỂM (*): Ưu tiên giải quyết quyền lợi của người lao động - Ảnh 2.

Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM hướng dẫn thủ tục khởi kiện đòi nợ BHXH cho người lao động

Trong đó, quy định NLĐ trong trường hợp NSDLĐ không còn khả năng đóng BHXH trước ngày 1-7-2024 thì được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất gồm: NSDLĐ đã có quyết định tuyên bố phá sản của tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản; NSDLĐ đang làm thủ tục phá sản; NSDLĐ đang làm thủ tục giải thể; NSDLĐ được cơ quan quản lý thuế xác định không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN); NSDLĐ không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Kinh phí thực hiện là từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng quy định tại khoản 3 điều 122 Luật BHXH 2014 và số tiền 0,03%/ngày thu được theo quy định tại khoản 1 điều 40 và khoản 1 điều 41 Luật BHXH 2024.

Ngăn chủ DN bỏ trốn

Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, việc xác định NSDLĐ không còn khả năng đóng BHXH cho NLĐ để giải quyết hưởng chế độ hưu trí, tử tuất sẽ căn cứ vào: Quyết định tuyên bố phá sản của tòa án; Quyết định mở thủ tục phá sản của tòa án… Nhưng thực tế, số DN thực hiện thủ tục phá sản rất hạn chế. Theo TAND Tối cao, từ ngày 1-10-2015 đến 30-9-2022, TAND các cấp thụ lý 906 vụ việc phá sản, ra quyết định mở thủ tục phá sản 682 vụ việc và ban hành quyết định tuyên bố phá sản đối với 58 DN.

Ông Nguyễn Thành Đô, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết thời gian qua, TP HCM đã xảy ra nhiều trường hợp DN ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn để lại hậu quả nặng nề cho NLĐ. Chẳng hạn, năm 2018, giám đốc người Hàn Quốc của Công ty TNHH Nam Phương (KCN Tây Bắc Củ Chi) bỏ trốn về nước khi đang nợ hơn 26,8 tỉ đồng BHXH của 600 công nhân – lao động. 

Cũng trong năm đó, giám đốc Công ty TNHH Bumjin Vina (KCN Vĩnh Lộc) đột ngột “biến mất” khi nợ hơn 2,9 tỉ đồng BHXH của khoảng 400 NLĐ… Sau đó, NLĐ tại các DN này đã khởi kiện và thắng kiện nhưng kết quả vẫn “trắng tay”.

Ông Đô chia sẻ: “Pháp luật quy định khi DN mất khả năng thanh toán, người đại diện theo pháp luật có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhưng trên thực tế rất ít DN tự nguyện thực hiện nghĩa vụ này, nhất là các DN nợ lương, BHXH của NLĐ. Năm 2024, ngành tòa án TP HCM thụ lý 105 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đã giải quyết 70 đơn, trong đó chỉ ban hành 22 quyết định mở thủ tục phá sản”.

Từ thực trạng trên, góp ý cho dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi), đại diện Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM đề xuất bổ sung quy định về thủ tục phá sản rút gọn hoặc ưu tiên giải quyết nhanh đối với những vụ phá sản chỉ liên quan đến quyền lợi NLĐ; bổ sung quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của DN ngay sau khi tòa án thụ lý thủ tục phá sản nhằm ngăn chặn kịp thời chủ DN bỏ trốn ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần có tiêu chí xác định trường hợp “chủ DN bỏ trốn” cũng như quy định về quy trình xử lý tài sản trong tình huống này để bảo vệ tốt hơn quyền lợi NLĐ. Ngoài ra, để tránh tình trạng “mất dấu” DN hoặc tài sản trước khi phá sản, ông Đô kiến nghị bổ sung quy định trường hợp DN nợ lương, nợ BHXH từ 90 ngày trở lên, cơ quan BHXH hoặc cơ quản lý lao động tại địa phương phải thông báo cho tổ chức Công đoàn cùng cấp để xem xét, hỗ trợ NLĐ thực hiện quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản… 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-5

Thành lập quỹ bảo đảm trả lương

LĐLĐ TP HCM cho rằng dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) cần tiếp tục nhấn mạnh nguyên tắc ưu tiên tuyệt đối cho việc thanh toán các khoản nợ (lương, BHXH, BHYT, BHTN…) đối với NLĐ. Trường hợp tài sản DN không đủ thanh toán, Nhà nước cần nghiên cứu thành lập quỹ bảo đảm trả lương khi DN phá sản. Quỹ này hình thành từ đóng góp của DN hoặc ngân sách, sẽ tạm ứng chi trả một phần tiền lương, trợ cấp cho NLĐ khi DN phá sản mà không có khả năng chi trả. Sau đó quỹ tiếp nhận quyền chủ nợ tương ứng trong quá trình phân chia tài sản.

Nếu việc lập quỹ riêng khó khả thi ngay, có thể tận dụng Quỹ BHTN hoặc Quỹ BHXH sẵn có để hỗ trợ NLĐ trong những trường hợp đặc biệt trên cơ sở nhà nước bảo đảm hoàn trả quỹ bằng tài sản thu hồi được.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *