Hệ miễn dịch của người mắc bệnh hô hấp mạn tính bị mất cân bằng, suy giảm, dễ mắc zona thần kinh hơn người bình thường.
“Theo một số nghiên cứu, người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn… có nguy cơ mắc zona thần kinh cao hơn đến 41% kèm các biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Phạm Văn Phú, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết.
Bác sĩ phân tích người mắc bệnh hô hấp mạn tính có tế bào miễn dịch suy yếu, còn tế bào viêm và dị ứng hoạt động liên tục. Trong khi đó, zona thần kinh do virus Varicella Zoster gây ra. Virus này ẩn trong các hạch thần kinh sau khi khỏi thủy đậu, tái hoạt động khi cơ thể suy giảm miễn dịch. Do đó, người mắc bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, giãn phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ phổi… tăng cao nguy cơ nhiễm virus và mắc zona thần kinh.

Người bệnh hô hấp mạn tính dễ mắc zona thần kinh. Ảnh minh họa: Vecteezy
Ngoài ra, tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể cũng khiến các tế bào miễn dịch quan trọng như bạch cầu trung tính, đại thực bào hoạt động không bình thường. Các tế bào này có nhiệm vụ tiêu diệt vi khuẩn, dọn dẹp tế bào chết, mô tổn thương và bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Khi đó, hệ miễn dịch sẽ bị rối loạn, kích thích virus tấn công cơ thể.
Nhiều người mắc bệnh hô hấp mạn tính cần dùng thuốc corticosteroid để kiểm soát viêm và cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, thuốc điều trị ức chế miễn dịch, khiến cơ thể dễ bội nhiễm virus mới. Một nghiên cứu tại Đài Loan ghi nhận bệnh nhân dùng corticosteroid dạng hít có nguy cơ mắc zona cao hơn hai lần và dạng uống cao hơn ba lần.
Theo bác sĩ Phú, zona thần kinh không gây thành dịch, song bệnh có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm não, viêm màng não, tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Một khảo sát tại Mỹ trên 192 bệnh nhân có bệnh nền COPD mắc zona thần kinh, công bố năm 2022, cho thấy 25,5% bệnh nhân khó thở hơn, 12% tăng tần suất mắc các đợt cấp, giảm chất lượng cuộc sống.
Hiện bệnh được điều trị bằng cách kháng virus giai đoạn sớm, kết hợp kháng sinh nếu có bội nhiễm, giảm đau ở bệnh nhân có đau thần kinh sau zona. Tuy nhiên, ở người có bệnh lý hô hấp nền, việc điều trị kéo dài do kết hợp nhiều loại thuốc, dễ suy nhược cơ thể.

Khách hàng người cao tuổi tiêm vaccine zona thần kinh tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Mộc Miên
Do đó, những người có bệnh nền gây suy giảm miễn dịch được khuyến cáo tiêm ngừa zona thần kinh. Vaccine có hiệu quả phòng ngừa bệnh đến 97% ở người từ 50 tuổi và đến 87% ở người từ 18 tuổi suy giảm miễn dịch. Vaccine cũng giúp giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và các biến chứng khác hơn 90%.
Người từ 50 tuổi trở lên tiêm hai mũi, cách nhau hai tháng. Người từ 18 tuổi và nguy cơ cao mắc zona thần kinh, tiêm hai mũi cách nhau một tháng. Người đã mắc bệnh vẫn cần tiêm vaccine để ngăn ngừa tái phát zona thần kinh.
Để tăng hiệu quả phòng bệnh, mọi người nên tránh tiếp xúc với người mắc bệnh zona khi cơ thể còn vết mụn nước. Khi phát hiện dấu hiệu mắc zona thần kinh, người mắc cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị, không tự ý bôi thuốc.
An Hoa