Vì sao nước đông dân nhất thế giới vẫn khuyến sinh?

Lo ngại về tình trạng già hóa, một số bang ở Ấn Độ vẫn nỗ lực khuyến sinh dù đây là quốc gia đông dân nhất trên thế giới.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, năm ngoái, Ấn Độ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Với dân số gần 1,45 tỷ, nhiều người cho rằng lẽ ra Ấn Độ không nên khuyến khích sinh thêm con. Nhưng gần đây, các cuộc thảo luận về vấn đề này lại nổi lên.

Lãnh đạo hai bang miền nam, Andhra Pradesh và Tamil Nadu, vừa lên tiếng ủng hộ việc sinh thêm con. Andhra Pradesh đang xem xét các biện pháp khuyến khích người dân với lý do tỷ lệ sinh thấp và dân số già. Bang này cũng đã bãi bỏ “chính sách hai con”. Bang Tamil Nadu láng giềng cũng có những động thái tương tự, thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Tỷ lệ sinh của Ấn Độ đã giảm đáng kể, từ 5,7 con mỗi phụ nữ vào năm 1950 xuống còn 2 con mỗi phụ nữ hiện nay. Tại 17 trong số 29 bang, con số giảm xuống dưới mức thay thế là hai con trên mỗi phụ nữ. (Mức thay thế là mức mà số trẻ sinh ra đủ để duy trì dân số ổn định).

5 bang miền nam Ấn Độ dẫn đầu quá trình chuyển đổi nhân khẩu học, đạt mức sinh thay thế sớm hơn nhiều so với các bang khác. Kerala chạm mốc này năm 1988, Tamil Nadu vào năm 1993, các bang còn lại vào giữa những năm 2000. Ngày nay, tổng tỷ lệ sinh của 5 bang miền nam đều dưới 1,6, với Karnataka là 1,6 và Tamil Nadu là 1,4. Nói cách khác, tỷ lệ sinh ở các bang đang bằng hoặc thấp hơn nhiều nước châu Âu.

Nỗi lo chưa giàu đã già

Đầu tiên, các bang này lo ngại sự thay đổi nhân khẩu học của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến đại cử tri, phân bổ ghế trong quốc hội cũng như nguồn thu liên bang.

“Họ sợ bị thiệt thòi vì các chính sách kiểm soát dân số, dù chúng có hiệu quả kinh tế và góp phần đáng kể vào nguồn thu liên bang”, Srinivas Goli, giáo sư nhân khẩu học tại Viện Khoa học Dân số Quốc tế, cho biết.

Các bang miền nam cũng đang đối mặt với một mối lo ngại lớn khác. Khi Ấn Độ phân chia lại khu vực bầu cử vào năm 2026, khu vực phía nam thịnh vượng về mặt kinh tế sẽ giảm số ghế trong quốc hội. Vì nguồn thu liên bang được phân bổ dựa trên dân số, nhiều người lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến tài chính và hạn chế quyền tự chủ trong hoạch định chính sách của họ.

Theo các nhà nhân khẩu học, bên cạnh các vấn đề liên quan đến bầu cử, thách thức chính của tỷ lệ sinh giảm là sự già hóa dân số. Đây cũng là lý do khiến Ấn Độ và các nước đông dân khác khuyến sinh. Trong khi các quốc gia như Pháp và Thụy Điển mất lần lượt 120 và 80 năm để tăng gấp đôi dân số già từ 7% lên 14%, Ấn Độ dự kiến đạt được cột mốc này chỉ trong 28 năm, ông Goli nói.





Người cao tuổi tại Ấn Độ. Ảnh: Representative Image

Người cao tuổi tại Ấn Độ. Ảnh: Representative Image

Quá trình già hóa nhanh chóng gắn liền với thành công đặc biệt của Ấn Độ trong việc giảm tỷ lệ sinh giai đoạn trước đó. Ở hầu hết quốc gia, mức sống, giáo dục và đô thị hóa được cải thiện sẽ tự nhiên làm giảm tỷ lệ sinh, bởi tỷ lệ trẻ em sống sót sau sinh lớn hơn.

Tuy nhiên, ở Ấn Độ, tình hình ngược lại. Tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng, dù các tiến bộ kinh tế, xã hội còn khiêm tốn. Nguyên nhân là các chương trình phúc lợi gia đình tích cực, khuyến khích mô hình gia đình nhỏ thông qua các mục tiêu khác nhau. Theo một số chuyên gia, tình trạng này để lại hậu quả khôn lường.

Lấy Andhra Pradesh làm ví dụ, giáo sư Goli giải thích, tỷ lệ sinh của bang là 1,5 – ngang với Thụy Điển. Nhưng thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 28 lần. Với nợ công và nguồn lực hạn chế, ông đặt câu hỏi “Liệu các bang như vậy có thể hỗ trợ lương hưu cao hoặc an sinh xã hội cho dân số già hóa nhanh chóng hay không, nếu không có lượng dân số trẻ lấp vào chỗ trống?”

Hiện nay, hơn 40% người cao tuổi Ấn Độ (trên 60 tuổi) thuộc nhóm 20% dân số nghèo nhất xét về phân bổ của cải, theo Báo cáo Lão hóa Ấn Độ mới nhất của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA).

“Nói cách khác, Ấn Độ đang già đi trước khi giàu có”, ông Goli nhận định.

Giải pháp nào cho đất nước tỷ dân?

Người dân sinh ít con cái khiến tỷ lệ người phụ thuộc ở tuổi già tăng lên. Số người chăm sóc trở nên thiếu hụt. Các nhà nhân khẩu học cảnh báo rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe, trung tâm cộng đồng và nhà dưỡng lão chưa đủ để đáp ứng với sự thay đổi này.

Đô thị hóa, di cư và thay đổi thị trường lao động làm xói mòn cơ cấu gia đình truyền thống – vố là điểm mạnh của Ấn Độ. Điều này khiến nhiều người cao tuổi bị bỏ lại phía sau. Việc di cư từ các bang đông dân đến bang ít dân hơn có thể làm giảm khoảng cách tuổi lao động, nhưng nó cũng gây lo ngại về tình trạng chống di cư.

“Cần khẩn trương đầu tư mạnh mẽ vào phòng ngừa, chăm sóc giảm nhẹ và cơ sở hạ tầng xã hội để chăm sóc người cao tuổi”, ông Goli nói.

Đầu tháng này, người đứng đầu tổ chức dân tộc chủ nghĩa Hindu Rashtriya Swayamsevak Sangh (Tổ chức Tình nguyện Quốc gia), trụ cột tư tưởng của đảng BJP của ông Modi, đã kêu gọi các cặp vợ chồng sinh ít nhất ba con để đảm bảo tương lai của Ấn Độ.

“Theo khoa học dân số, khi tỷ lệ sinh giảm xuống dưới 2,1, xã hội sẽ tự diệt vong. Không ai phá hủy nó”, Mohan Bhagwat nói tại một cuộc họp gần đây.

Dù những lo ngại của ông Bhagwat có cơ sở, một số chuyên gia cho rằng chúng không hoàn toàn chính xác. Tim Dyson, nhà nhân khẩu học tại Trường Kinh tế London, cho biết sau một hoặc hai thập kỷ, “tỷ lệ sinh siêu thấp sẽ dẫn đến tình trạng dân số giảm”. Con số 1,8 con trên một phụ nữ có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, khi chạm đến mốc 1,6 hoặc thấp hơn, giới chức sẽ không thể xử lý cơ cấu dân số.

“Số lượng người bước vào độ tuổi sinh sản và độ tuổi lao động chính sẽ ít hơn. Đây là thảm họa về mặt xã hội, chính trị và kinh tế. Đây là một quá trình nhân khẩu học và cực kỳ khó đảo ngược”, ông Dyson nói.





Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành đất nước có dân số đông nhất thế giới. Ảnh: AFP

Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành đất nước có dân số đông nhất thế giới. Ảnh: AFP

Điều này đã xảy ra ở một số nền kinh tế phát triển. Vào tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố tỷ lệ sinh thấp kỷ lục là “tình trạng khẩn cấp quốc gia” và công bố kế hoạch thành lập một Ủy ban chuyên trách của chính phủ. Tỷ lệ sinh của Hy Lạp đã giảm mạnh xuống còn 1,3, bằng một nửa so với năm 1950, khiến Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đưa ra cảnh báo về mối đe dọa dân số “hiện hữu”.

Dù vậy, các nhà nhân khẩu học Ấn Độ cho rằng việc kêu gọi mọi người sinh thêm con là vô ích. Theo ông Dyson, nước này đang có thay đổi rõ rệt về mặt xã hội, chẳng hạn chênh lệch giới tính giảm đáng kể, cuộc sống của phụ nữ ngày càng giống với nam giới. Vì vậy, xu hướng nhân khẩu khó có thể đảo ngược.

Đối với các bang đang vật lộn với lượng lao động giảm sút như Tamil Nadu và Kerala, câu hỏi quan trọng là: Ai sẽ thay thế để lấp đầy khoảng trống dân số? Các nước phát triển không thể đảo ngược tỷ lệ sinh giảm đang tập trung vào chính sách lão hóa khỏe mạnh, năng động. Họ kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm 5 đến 7 năm và nâng cao năng suất làm việc ở người cao tuổi.

Các nhà nhân khẩu học cho biết, nếu định làm điều tương tự, Ấn Độ cần ưu tiên chính sách tăng số tuổi sống khỏe thông qua sàng lọc y tế và an sinh xã hội tốt cho người lao động, đảm bảo họ già đi một cách năng động. Ở nhiều quốc gia, người già hiện được coi là “thế hệ bạc” tiềm năng. Ông Goli tin rằng, cho đến năm 2047, Ấn Độ có nhiều cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế, tạo việc làm cho dân số và phân bổ nguồn lực cho người cao tuổi.

Thục Linh (Theo BBC)


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *