Lượt cuối gặp Myanmar (20 giờ ngày 21-12), người hâm mộ không muốn thấy tuyển Việt Nam nhạt nhòa với sự xáo trộn lớn vốn gây ra nhiều bất an nữa.
Tự làm khó mình
Không thắng nổi Philippines, thậm chí suýt thua, tuyển Việt Nam khiến tình thế, cục diện bảng B thêm phức tạp. Bản thân những “chiến binh sao vàng” đã tự làm khó mình vì không giành được điểm số tối đa trong chuyến làm khách trước The Azkals. Vì vậy, chúng ta vẫn chưa thể an tâm vì chưa chính thức đoạt vé nhất bảng nhằm tránh ứng viên hàng đầu Thái Lan tại bán kết.
Thật tiếc khi ở trận chạm trán Philippines, tuyển Việt Nam để lại nhiều điểm yếu, không hội tụ được sức mạnh vốn có. Điều này đẩy các học trò của ông Kim vào tình thế phải tập trung cao nhất cho mục tiêu chiến thắng trước Myanmar, dù rằng một trận hòa, thậm chí thua nhẹ (phụ thuộc trận Indonesia – Philippines), cũng vừa đủ để chúng ta lên đỉnh bảng.
Thực chất Myanmar lần này không hề tầm thường. Indonesia vất vả lắm mới vượt qua họ với tỉ số tối thiểu. Họ thậm chí còn dẫn trước Philippines ngay tại Rizal Memorial – nơi tuyển Việt Nam vừa thoát thua một cách may mắn. Đội bóng của HLV Myo Hliang Win vượt qua tuyển Lào khi liên tục bị dẫn trước.
Điều này nhờ Myanmar có nền tảng thể lực, kỹ thuật tốt, cộng với sự bền bỉ đã giúp họ đảo ngược tình thế. Myanmar có những nhân tố nổi bật, tính đột biến cao như Win Naing Tun hay Thiha Zaw, nhất là Maung Lwin (nhưng đang bị treo giò). Các bàn thắng của đội bóng này khá đa dạng với khả năng sút xa, sút phạt, đánh đầu cận thành…
Cần thể hiện sự ổn định
Tuyển Việt Nam sau 3 trận với 3 đội hình khác nhau đã tạo nên sự hoài nghi cho người hâm mộ về tính ổn định và sự nhuần nhuyễn – yếu tố rất quan trọng để phát huy sức mạnh tập thể. Đây là điều đáng lo vì ông Kim Sang-sik đã thử nghiệm quá nhiều. Bộ ba trung vệ bị xáo trộn liên tục quanh những cái tên Thành Chung – Bùi Tiến Dũng – Duy Mạnh – Việt Anh.
Hai tiền vệ nổi bật là Quang Hải – Hoàng Đức cũng thường “xé lẻ”. Cặp “wing-back” thì bị thay đổi chóng mặt giữa quá nhiều nhân sự như Xuân Mạnh – Hồ Tấn Tài – Văn Vĩ, rồi Văn Thanh – Khuất Văn Khang… Vị trí tiền đạo còn hỗn loạn hơn khi hàng loạt cầu thủ xuất hiện như Hai Long, Tiến Linh, Tuấn Hải, Vĩ Hào, Thanh Bình nhưng chưa cho thấy những cặp đôi ăn ý nổi trội.
Cách dùng người của ông Kim khiến chúng ta khó hình dung ai là “kèo”, ai là “cột”. Nhưng theo chúng tôi, đây không phải là cách giấu bài hay cố tình “thôi miên” đối thủ như suy nghĩ của nhiều người mà do thuyền trưởng tuyển Việt Nam có phần tự tin thái quá về chiều sâu đội hình hiện có dưới góc nhìn của riêng ông.
Thực tế, HLV Kim Sang-sik có toàn quyền sử dụng con người và áp đặt ý đồ của “vị tướng” cầm quân đánh trận. Nhưng ở giới hạn nào đó, đã đến lúc tuyển Việt Nam cần thể hiện sự ổn định, nhằm phát huy phẩm chất, thế mạnh tổng thể của đội quân “rồng vàng”. Việc Nguyễn Xuân Son, một tiền đạo nhập tịch, đủ điều kiện vào sân trong trận tiếp Myanmar trên sân nhà giúp HLV họ Kim có thêm vũ khí đáng gờm để đưa ra các phương án chiến thuật giúp Việt Nam đạt mục tiêu thắng lợi.
Nếu thể hiện đúng năng lực, nếu được HLV trưởng đặt vào đúng sở trường, rất có thể Nguyễn Xuân Son sẽ trở thành một trong những chân sút đáng nhớ nhất khi khoác áo tuyển Việt Nam nhờ sự toàn diện về kỹ năng xử lý bóng, thể trạng – sức mạnh, khả năng tranh chấp, dứt điểm hiệu quả của anh.
Thử nghiệm cũng tốt nhưng đã đến lúc tuyển Việt Nam cần sự hợp nhất, thông hiểu giữa các nhân sự chủ chốt để phát huy sức mạnh tập thể ở giai đoạn then chốt.
“Người hâm mộ đang mong đợi ông Kim Sang-sik trình làng tuyển Việt Nam với bộ mặt vững vàng hơn, chắc nịch hơn – đúng tầm vóc ứng viên của trận chung kết AFF Cup lần này.