Vietjet muốn thuê hai máy bay Trung Quốc cho chặng Côn Đảo

Vietjet muốn thuê ướt hai tàu phản lực khu vực ARJ21 của Comac để bay chặng Hà Nội/TP HCM – Côn Đảo từ đầu năm sau.

Thông tin này được Hãng hàng không Vietjet Air nêu trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận Tải và Cục Hàng không Việt Nam hôm 17/12.

Theo đó, Vietjet đã ký hợp đồng thuê ướt (thuê cả tàu bay và phi hành đoàn) 2 tàu bay Comac ARJ21 (C909) với Chengdu Airlines dự kiến từ 15/1/2025. Hai tàu bay này sẽ phục vụ cho cao điểm Tết Âm lịch trên các chặng Hà Nội/TP HCM đi Côn Đảo.

Chengdu Airlines cũng là hãng hàng không đầu tiên nhận và khai thác thương mại tàu ARJ21 từ năm 2016. Đến nay, ARJ21 đã tích luỹ được hàng nghìn giờ bay an toàn.





Tàu bay ARJ21 tại sân bay Côn Đảo hồi tháng 3/2024. Ảnh: Comac

Tàu bay ARJ21 tại sân bay Côn Đảo hồi tháng 3/2024. Ảnh: Comac

ARJ21 là mẫu tàu bay phản lực khu vực đầu tiên được Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) tự nghiên cứu và sản xuất. Tàu bay này sử dụng hai động cơ GE CF34-10A của Mỹ; các thiết bị bay, hạ cánh của Liebherr (Đức). Comac giao chiếc ARJ21 đầu tiên cho khách hàng quốc tế đầu tiên tại Indonesia vào năm 2022.

ARJ21 có tầm bay từ 2.225 đến 3.700 km. Tàu có thể bố trí cấu hình ghế từ 78 đến 97 chỗ. Kích cỡ máy bay này tương đương với các loại tàu đã và đang khai thác tại sân bay Côn Đảo như ATR-72, Embraer E190.

Do đặc thù đường cất hạ cánh ngắn, nên hiện tại sân bay Côn Đảo chỉ có thể tiếp nhận được các tàu bay loại này. Hồi đầu tháng 3, bên lề chương trình triển lãm máy bay tại Việt Nam, Comac đã thực hiện chuyến bay biểu diễn chở 60 hành khách bằng tàu ARJ21 từ TP HCM đến Côn Đảo và ngược lại.

Vietjet đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không hỗ trợ thủ tục phê chuẩn các hợp đồng và chỉ đạo sự phối hợp từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong việc cung cấp các dịch vụ sân bay, mặt đất nhằm đưa ARJ21 vào khai thác theo đúng kế hoạch. Đồng thời, hãng cũng mong muốn được mở rộng phê chuẩn giấy chứng nhận loại (TC Type Certificate) cho ARJ21 theo hoạch định phát triển lâu dài.

Tại cuộc gặp Thủ tướng hồi đầu tháng 11, lãnh đạo Comac cũng cho biết mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong nước và trao đổi sâu với Vietjet nhằm đưa máy bay “made in China” vào khai thác tại Việt Nam.

Thành lập năm 2008, Comac là doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc, chuyên nghiên cứu, phát triển máy bay thương mại với tham vọng phá vỡ thế độc quyền trong lĩnh vực này của phương Tây. Hiện tại, ngoài ARJ21, nhà sản xuất Trung Quốc còn có mẫu tàu thân hẹp C919.

Thời gian qua, Vietjet cũng có nhiều động thái để chuẩn bị cho việc khai thác các đường bay tới Côn Đảo. Cách đây vài tháng, hãng có kế hoạch sử dụng các tàu E190 để khai thác đường bay này khi liên tục đăng tuyển phi công, thợ máy cho đội tàu của Embraer. Tuy nhiên, kế hoạch sử dụng đội tàu này của Vietjet đã không được thuận lợi.

Nếu Vietjet được tham gia vào đường bay Côn Đảo, hành khách sẽ có thêm lựa chọn, tiết kiệm thời gian, chi phí hơn. Bởi sau khi Bamboo Airways rút khỏi đường bay đặc thù này, hành khách ở phía Bắc tới địa phương này buộc phải nối chuyến qua sân bay Tân Sơn Nhất hoặc Cần Thơ, sau đó tiếp tục di chuyển bằng tàu ATR72 của Vietnam Airlines hoặc Vasco.

Nhu cầu bay lớn, trong khi năng lực vận chuyển của các hãng bị giới hạn, nên giá vé chặng bay đến Côn Đảo luôn ở mức cao. Vé khứ hồi TP HCM – Côn Đảo thường quanh mức 2,7 triệu đồng. Vé bay thẳng từ Hà Nội đến Côn Đảo trước đây của Bamboo Airways cũng không dưới 3 triệu đồng một chiều. Nếu bay từ phía Bắc, chi phí của hành khách phải bỏ ra khoảng 7 triệu đồng.

Đến tháng 8/2024, Comac đã giao hơn 140 tàu phản lực khu vực này cho 12 khách hàng. Comac vẫn còn lượng đơn đặt hàng lớn từ các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó 3 ông lớn Air China, China Eastern Airlines và China Southern đặt 35 chiếc mỗi hãng.

Anh Tú


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *