Xây dựng niềm tin để tạo sự gắn kết

Trong bối cảnh thị trường lao động liên tục biến động, việc thay đổi nhân sự trong doanh nghiệp (DN) là rất phổ biến. Vậy DN cần làm gì để không ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của nhân viên, bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững. Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tuyển dụng Nhân tài – HR2B (quận 3, TP HCM), về vấn đề này.

Phóng viên: Xây dựng môi trường làm việc hiệu quả, bền vững phải bắt đầu từ đâu, thưa bà?

– Bà NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG: Niềm tin chính là nền tảng cốt lõi. Đây là yếu tố định hướng để nhân viên (NV) lựa chọn nhà tuyển dụng cũng như duy trì sự gắn bó lâu dài với tổ chức. Trong quá trình làm việc, niềm tin giúp tăng cường động lực, sự cam kết và khả năng cống hiến của NV. Khi một tổ chức vận hành trên cơ sở tôn trọng, công nhận và tạo điều kiện phát triển cá nhân, niềm tin sẽ được củng cố, thúc đẩy NV đạt được những kết quả vượt mong đợi.

Xây dựng niềm tin để tạo sự gắn kết- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tuyển dụng Nhân tài – HR2B (quận 3, TP HCM)

Niềm tin còn là chất keo kết nối đội ngũ, khuyến khích sự hợp tác hiệu quả và phát triển văn hóa làm việc cởi mở. Khi NV tin tưởng lẫn nhau và tin vào lãnh đạo, giao tiếp trở nên minh bạch hơn, các ý tưởng sáng tạo được chia sẻ mà không ngại bị chỉ trích. 

Điều này không chỉ tạo ra sự đổi mới trong tổ chức mà còn định hình một văn hóa bền vững, nơi tất cả mọi người cùng hướng đến mục tiêu chung. Do vậy, niềm tin không chỉ nâng cao hiệu quả làm việc mà còn góp phần xây dựng tổ chức bền vững, nơi NV cảm thấy được phát triển và đóng góp tối đa.

Những yếu tố nào tạo nên nền tảng của niềm tin giữa lãnh đạo và NV?

– Để xây dựng niềm tin vững chắc giữa lãnh đạo và NV, nhất là trong bối cảnh tổ chức không ngừng thay đổi, cần tập trung vào 4 yếu tố. Đầu tiên, lãnh đạo cần chia sẻ rõ ràng các thông tin quan trọng về chiến lược và quyết định, giúp NV hiểu được lý do đằng sau mỗi hành động. Khi thông tin được truyền đạt minh bạch, NV sẽ cảm thấy yên tâm hơn.

Thứ hai, sự nhất quán và cam kết trong các quyết định là yếu tố then chốt. Quy trình ra quyết định phải rõ ràng, công bằng và dựa trên năng lực thực tế. NV cần thấy rằng những nỗ lực và đóng góp của họ được ghi nhận thỏa đáng, từ đó có thêm niềm tin vào lãnh đạo.

Thứ ba, tạo môi trường hỗ trợ phát triển cá nhân là điều cần thiết. Khi tổ chức có lộ trình phát triển rõ ràng cho từng NV và tích hợp mục tiêu vào kế hoạch hằng quý, năm, họ sẽ cảm nhận được sự đầu tư nghiêm túc từ lãnh đạo.

Cuối cùng, hành xử mẫu mực từ lãnh đạo chính là tấm gương phản ánh giá trị cốt lõi của tổ chức. Khi lãnh đạo tuân thủ chính sách, nguyên tắc đạo đức và các giá trị tổ chức, NV sẽ tin tưởng và sẵn sàng cống hiến.

Xây dựng niềm tin để tạo sự gắn kết- Ảnh 2.

Trong doanh nghiệp, niềm tin không chỉ tạo sự gắn kết mà còn là nền tảng để xây dựng môi trường làm việc hiệu quả. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Đối diện với khủng hoảng, lãnh đạo cần quan tâm điều gì, thưa bà?

– Khi tổ chức đối mặt với khủng hoảng, niềm tin thường bị thử thách. Trong tình huống này, sự minh bạch và nhất quán từ lãnh đạo là điều kiện để duy trì sự ổn định trong tổ chức. Lãnh đạo cần chia sẻ kịp thời tình hình thực tế mà tổ chức đang đối diện, bao gồm cả những thách thức lẫn rủi ro. Việc cập nhật liên tục diễn biến mới, các bước hành động tiếp theo sẽ giúp NV cảm thấy yên tâm và không bị hoang mang trước khủng hoảng.

Bên cạnh đó, mọi quyết định đưa ra trong khủng hoảng cần được giải thích rõ ràng, chỉ ra mối liên hệ giữa quyết định đó với mục tiêu chung của tổ chức. Lãnh đạo cũng cần duy trì quy trình ra quyết định nhất quán, công bằng, để NV hiểu rằng mọi hành động đều dựa trên lợi ích chung, không cảm tính hay tùy tiện. 

Trong thời gian khủng hoảng, cần lắng nghe ý kiến và phản hồi từ NV qua các kênh giao tiếp hai chiều, từ đó xem xét áp dụng vào thực tiễn. Việc này không chỉ giúp NV cảm thấy được tôn trọng mà còn tạo điều kiện để họ đóng góp ý tưởng giải quyết vấn đề.

Bằng việc duy trì sự minh bạch, nhất quán và tôn trọng NV trong khủng hoảng, lãnh đạo không chỉ củng cố niềm tin mà còn giúp tổ chức vượt qua khó khăn một cách hiệu quả và bền vững hơn. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *