Yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày

Ăn nhiều thịt chế biến, hút thuốc, uống nhiều rượu bia, tiếp xúc với hóa chất thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ phát triển khối u ác tính ở dạ dày.

Ung thư dạ dày là bệnh nguy hiểm có thể gặp ở bất kỳ phần nào của dạ dày. Bệnh có các triệu chứng như giảm cân, chán ăn, thiếu máu không rõ nguyên nhân, nhanh no, đầy hơi, đau bụng… Hiện nguyên nhân gây ung thư dạ dày chưa được xác định rõ, song có những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển bệnh.

Ăn nhiều muối

Ăn nhiều muối và các thực phẩm bảo quản chứa muối như cá muối, thịt muối, có liên quan đến ung thư dạ dày. Thịt muối còn chứa chất béo xấu là yếu tố nguy cơ gây ung thư.

Béo phì

Béo phì làm tăng khả năng mắc nhiều bệnh lý. Các nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa béo phì và tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Hút thuốc

Hút thuốc không chỉ gây ung thư phổi mà còn lan tới dạ dày. Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 hợp chất khác nhau, một số lượng đáng kể trong số này có khả năng gây đột biến gene, dẫn đến ung thư. Các chất gây ung thư này có thể góp phần vào sự phát triển của khối u ác tính ở niêm mạc dạ dày.

Uống nhiều rượu

Uống rượu quá mức cũng là yếu tố nguy cơ. Rượu có thể dẫn đến viêm, tổn thương niêm mạc dạ dày, tạo điều kiện cho ung thư phát triển. Nam giới chỉ uống tối đa hai ly, nữ giới là một ly rượu mỗi ngày, tốt nhất là không nên uống để phòng tránh nhiều bệnh.

Thiếu máu ác tính

Người mắc bệnh thiếu máu ác tính có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn. Tình trạng này khiến cơ thể không có khả năng hấp thụ vitamin B12, tạo môi trường thuận lợi phát triển các tế bào ác tính trong dạ dày.

Tiếp xúc với hóa chất tại nơi làm việc

Một số nghề nghiệp tiếp xúc với bụi, khói trong các ngành công nghiệp như than đá, kim loại và cao su, có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn. Những môi trường làm việc này khiến cơ thể dễ tiếp xúc hay phơi nhiễm chất độc, thâm nhập vào cơ thể, hình thành khối u ác tính.

Lịch sử gia đình và đột biến gene

Nguy cơ hình thành u ác tính ở dạ dày tăng lên nếu một người có người thân từng mắc bệnh, tức đột biến di truyền. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh nên khám sàng lọc định kỳ để kiểm soát nguy cơ.

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) có thể gây viêm mạn tính ở niêm mạc dạ dày. Theo thời gian, tình trạng viêm này làm tăng khả năng phát triển ung thư nếu không được kiểm soát kịp thời.

Các triệu chứng ung thư dạ dày đôi khi khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý dạ dày khác, nhất là ở giai đoạn đầu. Hiện, các xét nghiệm hình ảnh, nội soi và sinh thiết có thể giúp bác sĩ phát hiện bệnh chính xác.

Sau khi được chẩn đoán, tùy thuộc giai đoạn ung thư, vị trí và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, các lựa chọn điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Phát hiện bệnh sớm là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả điều trị.

Bảo Bảo (Theo Times of India)

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *